ĐT Argentina & đêm đông lạnh lẽo

Nước Nga chưa vào mùa Đông, nhưng với đội tuyển Argentina lúc này, đấy là một mùa Đông lạnh lẽo thực sự.

Argentina, một trong những đội bóng được yêu quý nhất, cũng là một trong những đội bóng hùng mạnh nhất thế giới đang ở trong tình cảnh thảm hại nhất. Dù cho thực tế mới chỉ cách đây 5 kỳ World Cup thôi, thế hệ hùng mạnh của những Batistuta, Ortega, Veron… khi được đánh giá là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch World Cup, họ cũng đã bị loại từ vòng bảng. Nhưng lối chơi, cách thể hiện và phẩm chất của đội bóng lớn, thì Argentina của Messi và Aguero khác hẳn thế hệ năm 2002 hôm nào.

Đó không phải là Argentina, mà đấy chỉ là những con người mang quốc tịch Argentina, không linh hồn, không bản sắc, nhàn nhạt, yếu đuối, cam mình, và xa lạ trong chiếc áo xanh - trắng nổi tiếng. Đội bóng này đã bị xem thường tới mức bị HLV Zlatko Dalic của Croatia phát biểu như vỗ mặt: “Argentina là đối thủ dễ chịu nhất với Croatia ở bảng này”. Câu nói ấy chứng tỏ Dalic còn đặt Nigeria và Iceland lên cao hơn cả Argentina.

Nhưng thay vì “dạy cho Croatia một bài học”, thì Argentina lại bị phơi áo 3 bàn không gỡ. Trong đó có một pha bóng mang tính điển hình của sự dưới cơ: Ivan Rakitic đang nằm sân, Argentina vẫn không đưa bóng ra ngoài mà cố tấn công tiếp, chỉ đến khi bị cướp bóng mới dừng lại. Một hành động chỉ thuộc về những đội bóng dưới cơ hèn nhát, chỉ còn bám víu những tình huống thiếu fair-play để hy vọng có bàn thắng.

Ngược lại vào năm 2002, dù rằng cũng bị loại, nhưng Albiceleste vẫn thể hiện thứ sức mạnh trên cơ. Đối diện với Nigeria, Thụy Điển và Anh, các cầu thủ như Ortega hay Pablo Aimar vẫn thể hiện thứ phẩm chất ngạo nghễ của các nghệ sĩ Tango. Năm đó, lý do thất bại của Argentina thì muôn hình vạn trạng. Nếu nói về tính chính trị thì do đất nước Argentina đang gặp khủng hoảng kinh tế, sẽ rất nguy hiểm nếu lực lượng lao động xin nghỉ để hò nhau đi Hàn Quốc-Nhật Bản xem bóng đá. Nếu bảo mang tính chuyên môn thì do chiến thuật mất cân bằng công-thủ của “gã điên” Marcelo Bielsa khi ấy. Nhưng khác hẳn với việc gieo vào trong lòng người hâm mộ cảm giác bi phẫn của sự phản bội như bây giờ, Argentina của thế hệ ấy biết cách gieo vẻ đẹp trong bi ca với giọt nước mắt Batigol. Còn giờ, nếu Argentina bị loại, có ai khóc cho họ đâu? Có gì đẹp để đau đầu? Messi ư? Anh là ai sau hai trận đấu vừa qua?

Điều gì đã tạo nên bản sắc của Argentina? Ngạo nghễ ư? Đẹp ư? Gieo vui nhưng cũng gieo sầu tựa một gã trai hoang đàng ư? Đúng hết, nhưng chưa đủ. Cái Argentina đứng cao hơn tất cả là vì “Đối với châu Âu thì họ kỹ thuật hơn, còn đối với Brazil thì họ khôn ranh hơn”. Nigeria có mạnh không? Mạnh chứ, nhưng điểm yếu của các đội bóng châu Phi là rất ngây thơ trước các đối thủ cáo già. Nếu là trước đó, Argentina có sợ gì khi trong đội hình thiếu gì “cáo già”, chẳng hạn Diego Simeone hay “con chấy” Claudio Lopez. Nhưng bây giờ, họ hệt một kẻ cô lữ đêm Đông không nhà đang “lê bước phong trần tha phương” trên nước Nga rộng lớn. Năm 2002, Argentina đã thắng Nigeria bằng cú đánh đầu rất đẹp của Batigol. Còn hôm nay, đội tuyển lại chỉ bận bịu gọi tên “Phép màu Messi”.

Phép màu ấy đang như cô bé bán diêm nhìn qua cửa sổ thấy lò sưởi, cây thông Noel…. Đến khi diêm tắt, chỉ còn là mộng và cái nhắm mắt!

Theo Bongda+

Chủ đề World Cup 2018

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói