Giá vàng trong nước mở cửa phiên giao dịch 10.3 được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào 66 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68 triệu đồng/lượng. So với mở cửa phiên giao dịch ngày 9.3 giá vàng tại DOJI giảm 4,01 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 4,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 2,00 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng miếng SJC được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở ngưỡng 66,02 - 67,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch mua vào - bán ra là 1,96 triệu đồng.
So với mở cửa phiên giao dịch ngày 9.3, giá vàng SJC được Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm 3,99 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 4 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Ảnh minh họa: TTXVN
Vàng SJC được Phú Quý niêm yết ở ngưỡng 65,5 - 67,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch mua vào - bán ra là 2 triệu đồng. So với mở cửa phiên giao dịch ngày 9.3, giá vàng SJC được đơn vị này điều chỉnh giảm 4,5 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.
Như vậy, nếu mua vàng tại DOJI vào sáng qua với giá 72,1 triệu đồng/lượng và bán ra vào phiên sáng nay, nhà đầu tư trong nước lỗ đến 6,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tính đến 9h ngày 10.3 (giờ Việt Nam) niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 1.976 USD/oz, giảm sốc 70,6 USD/oz so với mở cửa phiên giao dịch ngày 9.3.
Giá vàng thế giới lao dốc trong bối cảnh cổ phiếu tăng trở lại khi giá dầu mỏ giảm và giới đầu tư săn lùng cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi lo ngại về các lệnh trừng phạt Nga.
Trong khi đó, giá palladium - vốn được các hãng sản xuất ôtô dùng trong bộ chuyển đổi xúc tác nhằm hạn chế khí thải, giảm 7,5% xuống 2.940,72 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục 3.440,76 USD/ounce vào ngày 7.3 do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới của Nga.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng, giá vàng đảo chiều giảm còn được thúc đẩy bởi hoạt động bán chốt lời của các nhà đầu tư.
Trên thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay giảm 3% xuống 25,59 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất 9 tháng trong phiên 8.3. Giá bạc cũng giảm 7%, đóng cửa ở mức 1.072,41 USD/ounce.
Phân tích về thị trường, ông Edward Moya từ Oanda cho rằng, giá vàng đi xuống là do tâm lý rủi ro trên phố Wall hạ nhiệt. Tuy nhiên, động thái trên sẽ không lâu dài khi tình hình chiến sự ở Ukraine vẫn “nóng”.
“Thời gian tới, giá vàng có thể giao dịch quanh mức 1.965 - 2.050 USD/ounce nếu thị trường không có quá nhiều biến động” - ông Moya nói.
Chiều ngược lại, dù mặt hàng kim loại quý đang chịu một số áp lực bán kỹ thuật, nhiều nhà phân tích lưu ý rằng, lạm phát gia tăng có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho mặt hàng này và giá có thể quay đầu tăng trở lại.
Chuyên gia Han Tan của Exinity Group cho biết, vàng còn nhiều dư địa tăng giá khi căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn leo thang.
“Với tình hình hiện tại, vàng được coi như là một hàng rào chống lại lạm phát, kênh trú ẩn an toàn của giới đầu tư khi xung đột giữa Nga và Ukraina không hạ nhiệt” - ông Han Tan nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nicky Shiels từ hãng MKS PAMP SA dự báo, giá vàng sẽ còn tăng trong thời gian tới vì các yếu tố sau:
Thứ nhất là chiến sự tiếp tục “nóng” ở Ukraina; thứ hai là mức độ lạm phát gia tăng; thứ ba là các quyết sách về lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).