Giải mã U22 Campuchia: Những “chiến binh Angkor” có gì đáng sợ?
Vừa hay lại vừa may
Với ngôi nhất bảng B, U22 Việt Nam sẽ gặp đội nhì bảng A, tức U22 Campuchia vào lúc 19h00 ngày 7/12 tới đây. Nhìn lại hành trình tại vòng đấu bảng, U22 Campuchia vừa hay lại vừa may mới có thể giành lấy tấm vé đi tiếp.
Họ khởi đầu vòng bảng với trận hoà 1-1 trước nước chủ nhà U22 Philippines. Sau đó hạ U22 Đông Timor với tỷ số 5-0. Trong trận đấu thứ 3 với U22 Myanmar, dù sớm dẫn điểm nhưng đội bóng của HLV Felix Dalmas lại để thua ngượic 1-2. U22 Campuchia đứng trước nguy cơ bị loại khi có cùng 4 điểm với U22 Malaysia và U22 Philippines.
Tuy nhiên, “những chiến binh Angkor” đã có một trận đấu rất hay để đánh bại U22 Malaysia với tỷ số 3-1. Cần phải nói lại, cũng may cho họ là ở trận cuối, Philippines chỉ thắng Đông Timor với tỷ số 6-1. Nhờ kết quả này, U22 Campuchia mới hơn hiệu số bàn thắng (+6 so với +5) và giành quyền vào bán kết.
Công bằng mà nói, U22 Campuchia xứng đáng với những thành quả của mình. Tấm vé đi tiếp chỉ làm bất ngờ những ai ít theo dõi bóng đá Campuchia. Còn những người được chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của quốc gia này sẽ chẳng có gì ngạc nhiên. Để chuẩn bị cho SEA Games 30, đội bóng Felix Dalmas đã có sự chuẩn bị rất dài. Đáng chú ý nhất là sự tập trung toàn lực cho giải U22 Đông Nam Á 2019, vốn được các đội tham dự ví như “tiền SEA Games 30”.
Trên sân vận động QG ở thủ đô Phnompenh, U22 Campuchia từng đánh bại chính U22 Malaysia của HLV Ong Kim Swee với tỷ số 1-0, thắng U22 Myanmar 2-0 để giành ngôi đầu bảng. Họ chỉ chịu dừng chân ở bán kết khi thua U22 Thái Lan trên chấm 11m. Còn trong trận tranh hạng Ba, phải nhờ bàn thắng của Lê Xuân Tú ở những phút cuối, U22 Việt Nam do HLV Nguyễn Quốc Tuấn dẫn dắt mới có chiến thắng tối thiểu.
Mặt cỏ nhân tạo là vũ khí lợi hại nhất
Sự đáng sợ của U22 Campuchia chính là họ đã quen chơi trên sân cỏ nhân tạo. Đây chính là sự khác biệt mang đến những chiến thắng cho thầy trò Felix Dalmas ở SEA Games lần này. Nếu các đối thủ vừa phải chơi bóng vừa phải thích nghi với sân cỏ nhân tạo thì U22 Campuchia đã “nhấn ga sang số” ngay từ vạch xuất phát.
Chính vì thế, rất nhiều trận đấu, U22 Campuchia chủ động đẩy cao đội hình chơi pressing bên phần sân đối phương. Họ tận dụng rất tốt những sai số của đối thủ, đó có thể là tình huống phán đoán sai độ nảy hay khả năng xoay trở, kiểm soát bóng vô cùng khó khăn trên mặt sân nhân tạo… U22 Campuchia đã thể hiện sự vượt trội của mình khi đối đầu với U22 Malaysia và họ đã trừng phạt đối thủ với 3 bàn thắng theo một kịch bản na ná nhau.
Ngoài việc thích nghi với mặt sân, U22 Campuchia là một đội bóng rất đoàn kết, giàu tính chiến đấu. Hạt nhân trong lối chơi ấy là 2 tuyển thủ QG được tăng cường: Keo Sokpheng và Reung Bunheing. Ngoài ra còn phải kể đến Sieng Chanthea, “sao mai” góp công rất lớn giúp U19 Campuchia lần đầu lọt vào VCK U19 châu Á.
Rõ ràng, U22 Campuchia không chỉ đơn thuần là một “hiện tượng” tạiSEA Games 30. U22 Việt Nam cần phải có những tính toán khi đối đầu với thầy trò Felix Dalmas. Tuy nhiên, xét một cách khách quan, U22 Việt Nam có đủ khả năng để đánh bại “những chiến binh Angkor”.
Cho nên, cẩn trọng thái quá đôi khi không phải là một sách lược tốt. Trong trận bán kết, nếu thầy trò Park Hang Seo “biết người biết ta” cũng như chơi đúng thực lực, chiếc vé vào chung kết hoàn toàn nằm trong tầm tay.