Giới trẻ Hà Tĩnh nói gì về ChatGPT?

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, ChatGPT là từ khóa tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội. Tại Hà Tĩnh, ứng dụng này đã được nhiều học sinh, sinh viên trải nghiệm và bàn luận về cả tiện ích lẫn những mặt trái của “chuyên gia biết tuốt” này.

Giới trẻ Hà Tĩnh nói gì về ChatGPT?

Trải nghiệm ứng dụng ChatGPT giúp nhiều bạn trẻ có những phút giây lý thú.

Thời gian qua, những từ khóa về “ChatGPT” hay “OpenAI” liên tục được nhiều người tò mò tìm kiếm. Giới trẻ Hà Tĩnh cũng nhanh chóng cập nhật thông tin, tìm cách để có được tài khoản.

Em Trần Thị Trà My - học sinh lớp 12A13 (Trường THPT Cẩm Xuyên) cho biết, khi thấy những thông tin trên mạng xã hội nói về ChatGPT, em rất tò mò, bởi đây là phần mềm trí tuệ nhân tạo có khả năng tương tác cao với người dùng, thậm chí có thể làm thơ, viết truyện, soạn nhạc…

Giới trẻ Hà Tĩnh nói gì về ChatGPT?

Trà My đánh giá ứng dụng ChatGPT rất thông minh, tiện ích cho việc tra cứu, song, câu trả lời của nó chỉ mang tính tham khảo và nếu lạm dụng, học sinh sẽ lười học.

Để sử dụng được ChatGPT, Trà My đã nhờ người thân đăng ký tài khoản để sử dụng. “Em thấy rằng, khi sử dụng ChatGPT cũng tương tự như sử dụng Google. Điểm khác biệt lớn nhất là ChatGPT sẽ đưa ra một kết quả thay vì đưa ra hàng triệu đường dẫn liên quan đến từ khóa tìm kiếm như Google. Trong học tập, em sử dụng ứng dụng này để tìm kiếm một số thông tin, công thức tính toán, cách giải bài tập…

Ngoài ra, ChatGPT còn giúp em giải trí, giảm căng thẳng trước những câu trả lời hài hước và “nó” cũng có thể trò chuyện, tương tác với em như một người bạn. Tuy nhiên, em nghĩ, nếu lạm dụng sẽ khiến bản thân lười và tư duy kém hơn”, Trà My cho hay.

Giới trẻ Hà Tĩnh nói gì về ChatGPT?

Một cuộc hội thoại giữa ChatGPT và người dùng ở Hà Tĩnh.

Dù còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc cài đặt tài khoản nhưng cũng như Trà My, nhiều bạn trẻ ở Hà Tĩnh đã nhanh chóng tiếp cận với phần mềm trí tuệ nhân tạo này. Thuận lợi mà các bạn thấy được là câu hỏi đặt ra được trả lời nhanh chóng (dù nhiều câu trả lời chỉ mang tính giải trí).

Giới trẻ Hà Tĩnh nói gì về ChatGPT?

Trò chuyện cùng ChatGPT khiến bạn Nguyễn Thu Thủy - sinh viên Đại học Hà Tĩnh cảm thấy rất thú vị.

Bạn Nguyễn Thu Thủy - sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết: “Tôi biết đến ChatGPT từ khoảng giữa tháng 1/2023 khi trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn chat giữa người thật và công cụ trí tuệ nhân tạo này. Đến cuối tháng 1, tôi đã tự tạo tài khoản để sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ học tập, thư giãn. Tôi thấy, với những bạn học sinh, sinh viên, nếu biết tận dụng tính năng của ChatGPT thì có thể phục vụ cho việc học. Tuy nhiên, cần sử dụng một cách khoa học, có sàng lọc và kiểm chứng để tránh sai sót thông tin".

Giới trẻ Hà Tĩnh nói gì về ChatGPT?

Việc quá lạm dụng ChatGPT có thể dẫn đến thói quen bị động, phụ thuộc, ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập.

Bên cạnh tính tiện ích, ChatGPT cũng đã bắt đầu bộc lộ những mặt trái. Theo thầy giáo Phạm Văn Đức - Trường THPT Cẩm Xuyên, ChatGPT có tính hai mặt khi có thể trở thành vấn đề nguy hiểm nếu câu trả lời sai sót về mặt thông tin. Nhiều câu trả lời của ChatGPT vẫn còn mắc nhiều lỗi về kiến thức, sai lệch thông tin, nhất là các dữ kiện lịch sử, địa lý, công thức tính toán…

Thậm chí, trong tương lai, khi ChatGPT trở nên phổ biến hơn thì các bạn học sinh có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo này để gian lận trong làm bài tập, thi cử. Đáng lo hơn, học sinh khi sử dụng ChatGPT sẽ cảm thấy không cần bỏ ra nhiều công sức vẫn có thể hoàn thiện bài tập, từ đó dễ bị động, phụ thuộc.

Giới trẻ Hà Tĩnh nói gì về ChatGPT?

Tại Hà Tĩnh, ứng dụng ChatGPt đã được nhiều học sinh, sinh viên trải nghiệm và bàn luận.

“Dù ChatGPT còn những hạn chế nhưng về lâu dài có thể nhiều người sẽ tiếp cận và sử dụng ứng dụng này để hỗ trợ trong học tập. Vì thế, giáo viên phải tích cực định hướng cho học sinh để tự chắt lọc được kiến thức cũng như phát huy được tính sáng tạo trong nghiên cứu, học tập nhằm hạn chế những tiêu cực từ ChatGPT” - thầy giáo Phạm Văn Đức nhấn mạnh.

Giới trẻ Hà Tĩnh nói gì về ChatGPT?

Theo thầy giáo Phạm Văn Đức, giáo viên phải tích cực định hướng cho học sinh để tự chắt lọc kiến thức mà vẫn phát huy được tính sáng tạo trong học tập, hạn chế những tiêu cực do ChatGPT mang lại.

Nhìn nhận vấn đề trên, ông Hoàng Văn Thanh - báo cáo viên Trung ương, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) cho hay: "Việc các bạn học sinh, sinh viên (kể cả người lớn tuổi) tò mò tìm hiểu và tương tác dùng thử ChatGPT là xu thế tất yếu trong bối cảnh phát triển và hội nhập của công nghệ 4.0. Việc dùng để trải nghiệm, giải trí theo xu hướng “hot trend” là điều chưa đáng ngại và không phải bàn nhiều.

Tuy nhiên, nếu người dùng lạm dụng quá nhiều, nhất là vận dụng vào để trả lời cho kết quả của một bài luận, hay những khái niệm, cụm từ nhạy cảm… thì đây không còn là vấn đề nhỏ; ngược lại, nó sẽ làm méo mó, lệch chuẩn nhiều vấn đề liên quan đến phạm trù đạo đức, văn hóa trong xã hội. Đặc biệt, trước những thông tin đa chiều chưa được kiểm chứng, đánh giá đầy đủ như ChatGPT, chúng ta cần hết sức thận trọng khi tìm hiểu, tiếp cận và sử dụng để không mang lại những hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Theo đó, chỉ nên xem ChatGPT là một công cụ tham khảo, hỗ trợ, bổ trợ trong quá trình học tập".

Giới trẻ Hà Tĩnh nói gì về ChatGPT?

Trước sự “phủ sóng” của ChatGPT, giáo viên cần tích cực định hướng cho học sinh để tự chắt lọc kiến thức trên các nền tảng mạng xã hội.

Ông Hoàng Văn Thanh cũng cho rằng, các tổ chức đoàn, hội, đội trong các nhà trường cần tạo ra nhiều diễn đàn chính thống để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, nhất là trong giai đoạn công nghệ tiếp tục “bùng nổ” trên các nền tảng internet.

ChatGPT (tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer) là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển từ mô hình GPT-3.5 của công ty khởi nghiệp OpenAI. Tuy hoạt động miễn phí nhưng để sử dụng, người dùng cần có tài khoản trên nền tảng của OpenAI.

Chủ đề Công nghệ 4.0 tại Hà Tĩnh

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.