Giữ sức khỏe cho mùa thi

Kỳ thi vào lớp 10, thi THPT quốc gia đã cận kề. Các sĩ tử đang bước vào thời điểm luyện thi nước rút và khá nhiều học sinh bị áp lực lớn từ các kỳ thi, dẫn đến tâm lý căng thẳng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kết quả thi.

85% sĩ tử rơi căng thẳng thần kinh

Thi cử lâu nay đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều học sinh, tâm lý ganh đua điểm số, chịu áp lực của gia đình thầy cô, học tập nặng nề cùng với việc phải thức khuya, dậy sớm, học thêm khiến nhiều học sinh luôn rơi vào trạng thái stress đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… thậm chí mắc các chứng bệnh về tâm thần. Thống kê của ngành y tế cho thấy 85% các sĩ tử trong giai đoạn ôn thi rơi vào tình trạng căng thẳng thần kinh. Điển hình của việc này là thần kinh căng thẳng, mệt mỏi bơ phờ.

Ảnh minh họa

BS Nguyễn Văn Dũng- phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: trong những năm gần đây, đặc biệt là vào thời điểm gần mùa thi, số lượng trẻ đến khám và điều trị về các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi có chiều hướng tăng lên. Các em luôn trong trạng thái mệt mỏi, phải gồng mình lên để chống đỡ với những áp lực học và thi khiến các em có những biểu hiện rối loạn cảm xúc như: Ăn kém, ngủ ít; cảm giác kiệt sức; lo lắng căng thẳng quá mức; đau đầu, hoa mắt chóng mặt, hay quên, đau dạ dày; suy nhược cơ thể…

Em Văn Minh- học sinh lớp 9 Trường Nguyễn Đình Chiểu (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lo lắng cho biết: Không chỉ em mà hầu hết các bạn học sinh đều lo lắng, tham gia hầu hết các buổi ôn luyện ở trường, ở trung tâm, rồi có bạn học thêm cả ở nhà. Nhiều lúc mệt quá, bài học qua rồi, thậm chí làm vài lần rồi, khi ôn lại vẫn thấy như mới. Khoảng cách giữa các ca học chỉ khoảng hơn một tiếng, vì thế ăn uống rất vội và mệt...

Còn Thu Hương- học sinh lớp 12 Trường Hai Bà Trưng thì thật thà cho biết: Học sinh cuối cấp lớp 12 chúng em có được một kẽ hở thời gian nào giữa các tiết học là các bạn gục xuống bàn ngủ ngay. Các bạn đều tham gia học ở trường, học thêm ở các trung tâm và thầy cô; học ở nhà; học từ sáng đến tối. Có thầy giáo bảo các con đừng học như thiêu thân thế để rồi khi thi lại thì chẳng nhớ gì. Nhưng thật ra chúng em lo lắm.

Chị Minh Hà- có con đang ôn thi đại học thì chia sẻ: Cả xã hội lao vào chạy đua, ai cũng mong con vào được đại học vì thế gia đình nào cũng sát cánh cùng con ôn luyện hết tốc lực, tẩm bổ cho con. Thấy con căng thăng, cũng lo nhưng chỉ biết ở bên cạnh động viên và chăm sóc con thôi.

Não chỉ tiếp thu một lượng kiến thức nhất định

Lý giải cho vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Minh Hiện- trưởng Khoa Đột quỵ não BV Quân y 103 phân tích: Vào mùa thi, tình trạng thiếu tỉnh táo, đau đầu, chóng mặt kém tập trung, học mãi không vào,... xuất hiện ở rất nhiều sĩ tử, khiến cho việc học của nhiều sĩ tử không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Phân tích cụ thể hơn, GS.BS Nguyễn Văn Thông- phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, phó nhiệm Khoa Thần kinh BV Trung ương quân đội 108 cho biết: Não bộ cần phải tiếp nhận, phân loại và xử lý thông tin một cách có hệ thống. Một lượng thông tin ào ạt, tới tấp sẽ khiến não bộ bị quá tải và kém minh mẫn do các trung khu vỏ não bị suy giảm chức năng tập trung. Thêm vào đó thói quen thức đêm, thiếu ngủ, thậm chí có những em học sinh thức trắng đêm ngày ngủ bù trong quá trình ôn thi cũng khiến cơ thể và não bộ mệt mỏi không thể dung nạp thêm kiến thức.

Cũng theo BS Nguyễn Văn Thông, trong thời gian gần thi, não chỉ tiếp thu một lượng kiến thức nhất định. Đây chính là lý do của tình trạng học nhiều, cố gắng nhồi nhét mà tiếp thu chẳng được bao nhiêu, chậm nhớ chóng quên của các sĩ tử. Theo đồng hồ sinh học, từ 21 đến 23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) đào thải chất độc. Từ 23h đêm đến 1h sáng là thời gian bài độc của gan, quá trình này cần tiến hành trong khi ngủ say. Do đó không nên thức trong khoảng thời gian này sẽ làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể. Ngủ đủ giấc, giúp não thư giãn để nạp lại năng lượng, có khả năng hoạt động tốt nhất.

Theo BS Vũ Quỳnh Hoa (Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM): Trong thời gian ôn thi căng thẳng, để chống mệt mỏi, buồn ngủ, tăng cường trí nhớ, một số bạn đã tìm đến sự viện trợ của những cốc cà phê, chè đặc và cả thuốc nữa. Chè và cà phê đều chứa cafein, có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương nên làm cho tỉnh táo, chống cơn buồn ngủ. Nhưng buồn ngủ lại là dấu hiệu báo cho biết cơ thể đã mỏi mệt, cần được nghỉ ngơi. Việc dùng chất kích thích sẽ làm cho cơ thể phải hoạt động quá sức, dẫn đến suy sụp, thậm chí đầu óc không còn đủ sức để tập trung nhớ bài vở nữa.

BS Quỳnh Hoa khuyên: Các em phải ăn thật đầy đủ trong các bữa chính và thêm vài bữa phụ. Cần lưu ý bữa ăn sáng là cực kỳ quan trọng. Nếu thời gian học nhiều quá, các em nên cân nhắc tranh thủ ngủ trưa, cố gắng ngủ trước 11g đêm và dậy lúc 5g sáng. Nếu ngủ không đủ giấc kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thần kinh. Nếu mình làm việc, học tập với thời gian không đủ thì nên thư giãn, khoảng 45 phút nên vận động chứ không nên học một mạch.

Biểu hiện của rối loạn lo âu

Theo các chuyên gia y tế, rối loạn lo âu là sự sợ hãi quá mức, không có nguyên nhân, do chủ quan của người bệnh. Rối loạn lo âu thường có biểu hiện bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên, vã mồ hôi, run tay chân, ngủ kém, cảm giác đau đầu, đau dạ dày, căng đau ở cơ, cảm xúc không ổn định: khóc lóc, lo lắng và phản ứng quá căng thẳng trước những sự việc thường nhật hàng ngày và không thể nào chấm dứt được sự lo lắng đó.

Bệnh nhân rối loạn lo âu có nhịp tim nhanh, cảm giác tim mình đập rất nhanh, đập thình thịch hoặc nhịp tim tăng rất nhanh, vã mồ hôi, run rẩy chân tay hoặc rung tay, cảm giác khó thở, thở rất nông hoặc cảm giác ngột ngạt, cảm giác đau ở ngực, không thoải mái vùng ngực; buồn nôn hoặc đau ở vùng bụng, cảm giác như muốn ngất, đi không vững, đầu nhẹ bẫng hoặc như sắp sửa đột quỵ. Bệnh nhân có kèm theo những biểu hiện buồn chán bi quan về tương lai, những mặc cảm tự ti…

Theo Đại Đoàn kết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói