Giữa tháng Tư lịch sử

(Baohatinh.vn) - Tháng Tư, từ nửa thiên niên kỷ nay, với người Việt, có thêm một tên gọi mới - tháng Tư lịch sử. Với người Hà Tĩnh - nơi từng bị chiến tranh tàn phá, tháng Tư cũng thật đặc biệt.

Ấy là tháng ghi nhớ và nhắc nhớ nhiều sự kiện lịch sử trọng đại dẫn đến ngày vui chiến thắng, thống nhất non sông sau cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Và bởi thế, mỗi tháng Tư về, lòng người Việt trên khắp dải non sông lại như xao xuyến, bồi hồi hơn trong những nghĩ suy về quá khứ, như lại phơi phới tin yêu khi hướng về tương lai…

Trưa 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Tôi vẫn thường bắt đầu tháng Tư của mình như thế - ngắm nhìn lại những bức ảnh thời quân ngũ của bố tôi và nhớ lại những câu chuyện trên chiến trường bố từng kể. Bố tôi cũng giống như bao thanh niên thời đại ấy, lớn lên là cầm súng ra chiến trường chống giặc. Ông từng đi lính, từng được đào tạo trở thành sĩ quan, rồi thành giảng viên đào tạo sĩ quan và ông cũng có nhiều năm tháng hào hùng nơi chiến trường B, chiến trường C, tham gia nhiều chiến dịch lớn, đóng góp không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.

Bố từng kể rất nhiều về quãng đời quân ngũ nhưng ông chưa bao giờ kể tường tận cho tôi nghe những trận đánh giáp lá cà với địch, có lẽ ông không muốn tâm hồn thơ trẻ của tôi bị ám ảnh hay tổn thương vì những câu chuyện đó. Dẫu sau này, lớn lên, nhìn những “chiến lợi phẩm” ông mang về từ chiến trường như những chiếc thìa có chữ U.S.A, những chiếc bút máy tinh xảo… tôi đều có thể tự hiểu bố đã phải trải qua cuộc chiến khốc liệt như thế nào.

Những kỷ vật mà các CCB lưu giữ luôn là những câu chuyện chiến tranh sinh động nhất. Ảnh Internet

Tôi không nhớ đã có bao nhiêu tháng Tư như thế trong đời, tôi cầm cuốn lưu bút của bố đọc và hỏi chuyện này chuyện nọ. Từ những câu chuyện bố kể, tôi đã hiểu tường tận hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ trong sách lịch sử. Cũng từ những câu chuyện đó mà sau này, khi viết những bài báo về các nhân vật lịch sử, tôi đều tìm được cách tiếp cận sâu hơn và kể lại câu chuyện của họ sinh động và xúc động hơn.

Tháng Tư trong nửa thiên niên kỷ qua đã trở thành mùa hội ngộ, mùa tri ân. Có biết bao nhiêu thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã hò hẹn nhau về thăm chiến trường xưa trong những ngày tháng Tư lịch sử. Và rồi, trên những chiến trường năm xưa đạn bom giày xéo lại rưng rưng tiếng cười, rưng rưng những giọt nước mắt.

Tháng Tư trong nửa thiên niên kỷ qua đã trở thành mùa hội ngộ, mùa tri ân. Trong ảnh: Các cựu TNXP từng chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc về thăm lại chiến trường xưa.

Đó là nỗi xúc động được gặp lại nhau trong hòa bình, là nỗi nhớ thương người đồng chí, đồng đội đã mãi mãi nằm xuống cho đất nước đứng lên. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ huyên náo mà trĩu nặng tâm tư, từng biết đến nhiều cuộc trở về lặng lẽ mà mênh mang niềm thương nhớ. Nhiều cựu chiến binh đã chọn tháng Tư để bắt đầu cuộc hành trình đi tìm ký ức của mình. Đâu đó giữa đại ngàn gió núi, đâu đó giữa lau lách rừng già, bên những con sông con suối… họ đã lặng lẽ gửi tâm tư vào lòng đất, vào mạch nước trong từng làn khói mỏng, trong những đóa hoa thơm… Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, nghĩ đến những điều đó, trong tôi lại vang lên những câu thơ của tác giả Nguyễn Đình Thi: “Nước chúng tôi/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”…

“Nước chúng tôi/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”… Ảnh Internet

Trong những vọng về của quá khứ ấy, có rất nhiều câu chuyện hào hùng, cũng có những ngậm ngùi đắng đót. Tất cả đều vì hòa bình, độc lập của dân tộc. Không hiểu vì nguyên cớ gì, trong những ngày tháng Tư lịch sử của dân tộc, tôi thường gặp được rất nhiều cựu chiến binh đặc biệt và năm nay, tôi cũng lại đã vô tình gặp gỡ với một cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Câu chuyện ông kể cứ khiến tôi day dứt mãi. Tôi không thể phân định nổi cảm xúc, suy nghĩ của mình lúc đó. Ông kể, những năm ông ra tiền tuyến, tham gia đánh Mỹ thì vợ ông ở nhà “nhỡ nhàng” có thêm một đứa con trai. Ai cũng nghĩ ông sẽ hắt hủi, sẽ ly hôn với bà. Nhưng không. Ông đã bảo người nhà cứ “vào họ” cho thằng bé, đất nước đang cần nam thanh niên để đánh giặc, có thêm người nào tốt người đó.

Tất nhiên, sau này, cậu bé ấy không phải ra trận. Và ông trở về, vẫn yêu thương cậu bé như con của mình, tiếp tục sinh con đẻ cái với người vợ đó. Câu chuyện của vợ ông không phải là câu chuyện hy hữu trong chiến tranh nhưng suy nghĩ và cách ứng xử của ông thì đúng thật là hy hữu. Ông đã cho tôi tiếp cận thêm một tầng nghĩa của tinh thần chiến đấu, của sự hy sinh trong chiến tranh. Đất nước tự hào vì có một thế hệ cha ông như thế, không chỉ dâng hiến tuổi xuân, không chỉ hy sinh xương máu, không chỉ chiến đấu với quân thù mà họ còn phải chiến đấu và chiến thắng bản thân, phải hy sinh tình cảm, cảm xúc riêng tư để sống trọn cho lý tưởng mà mình đã chọn.

Đâu chỉ có trong chiến tranh, sau ngày giang sơn thu về một mối, nước ta, Nhân dân ta đã trải qua nhiều chặng đường gian khó mà ở đó, mỗi người dân lại phải cống hiến, phải hy sinh theo nhiều cách khác nhau để kiến thiết đất nước. Chặng đường 50 năm qua đã ghi dấu thêm rất nhiều bài học quý giá. Và trong những ngày tháng Tư của kỷ nguyên vươn mình này, những bài học lịch sử lại càng có giá trị hơn bao giờ hết, nhất là đối với cuộc cách mạng mới (tinh gọn bộ máy) mà Đảng ta, Nhân dân ta đang cùng nhau thực hiện.

Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy Nhà nước đã và đang khẳng định tư tưởng cần phải chăm lo giữ nước, xây nước khi vận nước chưa nguy, khi non sông còn thái bình. Ảnh Internet

Để phát triển lên tầm cao mới, đất nước lại cần tinh thần chiến đấu và hy sinh của công dân ở một nghĩa khác. Cuộc cách mạng mới đã và đang khẳng định tư tưởng cần phải chăm lo giữ nước, xây nước khi vận nước chưa nguy, khi non sông còn thái bình. Tôi lại nhớ năm xưa, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải trên đường về kinh thành Thăng Long sau khi thành công đánh đuổi giặc Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285) đã viết lên những câu thơ bất hủ: “Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” (Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy nghìn thu). “Thái bình tu trí lực” - câu thơ tự răn mình nhưng cũng là lời hiệu triệu với muôn dân. Và sau này, là lời dạy sâu sắc, luôn có giá trị trong mọi thời đại…

Tháng Tư bao giờ cũng vậy, luôn thắp lên trong tâm tư người Việt trên khắp dải non sông những rưng rưng thương nhớ, tự hào, những thôi thúc đi tới… Với lịch sử hào hùng của Tổ quốc, các thế hệ công dân Việt Nam sẽ luôn làm tròn sứ mệnh của mình trước vận mệnh của dân tộc. Lịch sử cũng đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu của Nhân dân, không có cuộc cách mạng nào ở Việt Nam không thành công cả. Và, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để các thế hệ người Việt tô đậm thêm lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Từ đó, bồi đắp niềm tin, nâng cao trách nhiệm của mình trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Chủ đề 50 năm Giải phóng miền Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói