Gò Vình – quần thể 86 cây lộc vừng ngàn năm tuổi
Tình cờ qua một người bạn, chúng tôi biết đến di tích “có một không hai” tại Việt Nam, đó là một quần thể lộc vừng hơn 1.000 năm tuổi nằm ở xã Chương Xá (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Năm 2013, những cây lộc vừng ở đây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Năm 2013, quần thể lộc vừng đã được công nhận Cây di sản Việt Nam.
Giữa tháng 6, mùa hè ở miền Bắc nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về Chương Xá để tìm hiểu về quần thể lộc vừng này. Theo lời chỉ dẫn của người dân, băng qua làng, chúng tôi đi ra cánh đồng. Đồng Chương Xá vừa gặt xong, những gốc rạ còn lởm chởm chưa cày bừa; một vài thửa ruộng đang gieo mạ, đám mạ non đã bắt đầu nhú xanh lên khỏi mặt đất…
Nằm ở giữa cánh đồng, một gò đất nổi lên xanh thẳm giữa 4 bề xung quanh đều là ruộng chiêm trũng, người dân gọi đó là gò Vình. Vình là tên người dân gọi thay cho từ vừng trong từ lộc vừng. Nhìn từ xa, gò Vình giống như một con rùa có đủ các bộ phận như đầu, mai.
Quần thể lộc vừng cổ thụ ở gò Vình nhìn từ xa có hình dáng giống con rùa.
Nơi gò Vình nổi lên nằm tiếp giáp với 4 xã của huyện Cẩm Khê là Chương Xá, Tình Cương, Văn Khúc, Phú Lạc. Chơ vơ ở giữa cánh đồng, đường ra gò đều là đường đất, thế nhưng, thời điểm chúng tôi có mặt (hơn 12 giờ trưa), gò Vình đông đúc đến lạ.
Hàng chục người tụ tập tại đây, tiếng nói chuyện, cười đùa vang lên rộn rã. Trên cây, dưới đất đều chật kín người, có người còn mắc võng lên nằm ngủ, có người đang thắp hương làm lễ tại ngôi miếu giữa gò. Một vài ô tô biển số từ Hà Nội, Quảng Ninh đậu phía ngoài.
Trưa hè, rất đông người dân tập trung tại gò Vình để nghỉ ngơi.
Bước chân vào bên trong gò Vình, cảm giác đầu tiên đó là không khí mát mẻ, khác hẳn với cái nóng chừng hơn 40 độ C đang thiêu đốt ngoài kia. Những cây lộc vừng cổ thụ cao sừng sững, gốc rễ xù xì chạy ngoằn ngèo trên mặt đất. Có những cây to cỡ một người ôm không xuể.
Kỳ lạ là những cây lộc vừng này không mọc theo một hướng duy nhất mà cây thì mọc về hướng bắc, cây ngả về hướng nam, cây xoay về hướng đông, hướng tây. Cây thì mọc thẳng lên trời, cây thì nghiêng nghiêng tầm trung, có thì đổ rạp xuống đất… Tất cả tạo nên một quần thể lộc vừng rất độc đáo.
Thời điểm chúng tôi tìm đến đã gần cuối mùa hoa, chỉ còn một chút hoa lộc vừng rơi rụng dưới gốc. Theo người dân, nếu đến sớm hơn khoảng nửa tháng, chúng tôi sẽ được chiêm ngưỡng một gò hoa lộc vừng đỏ đẹp thuộc hạng “có một không hai” ở Việt Nam.
“Hoa lộc vừng nở về đêm, nếu sáng sớm ra gò thì sẽ thấy đỏ cả một góc trời. Hoa rụng xuống đất như trải thảm đẹp mê li. Nhìn từ xa, lộc vừng như một đĩa xôi gấc đỏ rực”, một người dân hào hứng miêu tả.
Không khí bên trong gò Vình rất mát mẻ, trong lành nên người dân thường ra đây để tránh nóng.
Bí mật “kho vàng” mất trộm dưới gốc 2 cây cọ cổ thụ
Không chỉ có những cây lộc vừng cổ thụ, tại gò Vình còn có 2 cây cọ cổ thụ cũng có tuổi đời hơn 1.000 năm. “Hai cây cọ cao vút lên, nhiều lần tôi lái xe tận Quốc lộ 32 vẫn nhìn thấy ngọn”, ông Nguyễn Văn Quý – một người dân địa phương chia sẻ.
2 cây cọ cổ thụ đã chết và người dân đã trồng lại 2 cây cọ khác.
Tương truyền, có một chum vàng được chôn dưới một trong hai gốc cọ. Chum vàng này được chôn rất kỹ nên có lần có người mang máy dò kim loại đến cũng không phát hiện ra.
Thế nhưng, khoảng 20 năm về trước, 2 cây cọ này đã bị bật gốc và chết. Theo người dân kể lại, nguyên nhân chính của việc cọ chết là do bị đào mất “kho vàng” chôn dưới gốc.
Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Phạm Minh Hồng - Chủ tịch UBND xã Chương Xá cho hay: “Chuyện đào hố, lật cọ thì có thật, thế nhưng, không biết kẻ gian có đào được vàng hay không, đào được nhiều hay ít thì tôi không biết nhưng câu chuyện mất “kho vàng” cứ được người dân truyền từ đời này qua đời khác”.
Ông Nguyễn Hữu Ngạn – nguyên Chủ tịch Hội người cao tuổi Chương Xá (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ).
Sau khi 2 cây cọ cổ thụ bị chết, một người dân địa phương đã đóng góp và cho trồng mới 2 cây cọ khác vào đúng vị trí cũ.
Tại giữa gò, một ngôi mộ cổ vẫn tồn tại và được người dân cho rằng rất linh thiêng nên không ai dám mạo phạm. Nhiều người từ các tỉnh xa xôi vẫn thường về đây thắp hương, làm lễ vào ngày rằm hay mùng 1 âm lịch.