Danh thắng chùa Hương Tích (Can Lộc) đang là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Thanh Hải
Để tổ chức tốt các hoạt động lễ hội năm 2021, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép (vừa sẵn sàng phòng chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội), đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.
Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân về thực hiện các quy định trong quản lý và tổ chức lễ hội. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ bùng phát và lây lan trong cộng đồng, kịp thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và địa phương, dừng ngay mọi hoạt động lễ hội và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở VH-TT&DL chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo các quy định của pháp luật. Rà soát, thống kê, phân loại lễ hội: lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài... để có hình thức quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội phù hợp.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện phòng chống dịch Covid-19.
Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đảm bảo đón khách an toàn trong đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020. Ảnh tư liệu
Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trước và trong khi lễ hội diễn ra, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh và Bộ VH-TT&DL theo quy định.
UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn quản lý; tổng hợp tình hình kết quả báo cáo Sở VH-TT&DL theo quy định. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống và tuyệt đối không được lợi dụng, biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp truyền thống của dân tộc; vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã nhằm bảo đảm an toàn, tiết kiệm.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng và tổ chức triển khai các phương án về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và du khách.
Chỉ đạo các Ban quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức, đặt hòm công đức đảm bảo số lượng theo quy định; thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng quy định. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thực hiện nghiêm việc thu phí tham quan, phí trông giữ phương tiện theo đúng quy định.
Các địa phương có lễ hội cấp tỉnh tổ chức định kỳ phải thực hiện thông báo với Sở VH-TT&DL về kế hoạch tổ chức lễ hội, quyết định thành lập Ban tổ chức, các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người tham gia lễ hội. Thời gian thông báo ít nhất 20 ngày trước khi lễ hội diễn ra.
Trong vòng 15 ngày sau khi lễ hội kết thúc, Ban tổ chức phải báo cáo kết quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội về Sở VH-TT&DL.