Hà Tĩnh: Phối hợp điều hành, duy trì sự ổn định của thị trường hàng hoá

(Baohatinh.vn) - 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá tại Hà Tĩnh tăng trưởng ổn định, song những diễn biến mới của thị trường tiếp tục tác động đến mặt bằng giá hàng hóa, sức tiêu thụ của người dân. Do vậy, cần sự phối hợp tốt trong công tác điều hành của các cấp chính quyền nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng thị trường bán lẻ cả năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng mạnh, dự ước đạt hơn 18. 854 tỷ đồng, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường bán lẻ nội tỉnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Trong thời gian vừa qua, thị trường bán lẻ hàng hoá Hà Tĩnh sôi động với nhiều loại hình mua sắm phong phú, hàng hóa đa dạng. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh… tiếp tục thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá được các doanh nghiệp áp dụng, kích cầu nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiếp tục tăng trưởng mạnh, dự ước đạt hơn 18. 854 tỷ đồng, tăng 10,49% so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường nội tỉnh duy trì ổn định, phản ánh nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tiếp tục tăng cao.

Theo đánh giá, đây là mức tăng trưởng ấn tượng cho thấy thị trường nội tỉnh duy trì ổn định, phản ánh nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tiếp tục tăng cao. Lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, không xảy ra thiếu hàng, sốt giá, đặc biệt là trong dịp lễ, tết.

Ổng Nguyễn Cự Dũng – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho biết: “Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện các chuyên đề, đợt ra quân nhằm đảm bảo thị trường hàng hoá lành mạnh.

Với những nỗ lực lớn trong công tác điều hành, cung cầu hàng hóa được bảo đảm đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa tại Hà Tĩnh tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2019, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Tập trung phối hợp điều hành, đảm bảo ổn định của thị trường hàng hoá

Công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đang là vấn đề được quan tâm nhất trong giai đoạn hiện nay, nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn ổn định cho thị trường.

Tuy nhiên, theo dự báo của các đơn vị liên quan, trong thời gian tới, các yếu tố bất lợi như giá điện tăng, giá xăng dầu duy trì ở mức cao… tiếp tục chi phối lớn đến giá các các mặt hàng thiết yếu tại Hà Tĩnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hoá. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi đang tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn, giá cả và tâm lý người tiêu dùng.

Người tiêu dùng Hà Tĩnh lựa chọn thịt có nguồn gốc xuất xứ trước "bão" dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Võ Tá Nghĩa – Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), trong 6 tháng cuối năm, để thị trường bán lẻ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, đạt được mục tiêu đề ra, cần sự phối hợp tốt trong công tác điều hành của nhiều đơn vị liên quan như Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường và chính quyền các địa phương… nhằm đảm bảo không xuất hiện hiện tượng tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát.

Để duy trì sự phát triển ổn định của thị trường bán lẻ cần sự phối hợp tốt trong công tác điều hành của nhiều đơn vị liên quan.

Riêng với giá xăng dầu, Liên Bộ Tài chính – Công thương đã thông tin sẽ tiếp tục điều hành giá hài hòa, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp, tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả và tăng trưởng tổng mức bán lẻ năm 2019.

Đồng thời, các đơn vị tuyên truyền rộng rãi về dịch tả lợn châu Phi, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng, song song với việc cung cấp các thông tin giúp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo đảm nguồn cung thịt lợn ổn định cho thị trường trong thời gian tới.

Từ đó, tạo sự đồng thuận trong dư luận với công tác điều hành của các cấp chính quyền, duy trì sự tăng trưởng ổn định của tổng mức bán lẻ hàng hóa, đảm bảo phát triển kinh tế tại địa phương.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói