Hàn Quốc - nhà xuất khẩu vũ khí có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết, doanh thu xuất khẩu vũ khí của quốc gia Đông Bắc Á giai đoạn 2017-2021 tăng 177% so với giai đoạn 2012-2016. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất trong số 20 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Tờ The Korea Times dẫn báo cáo cho biết, trong năm 2021, doanh thu xuất khẩu vũ khí đạt hơn 7 tỷ USD là mức cao kỷ lục đối với Hàn Quốc. Theo tờ The Japan Times, nếu như trong giai đoạn 2012-2016, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc chỉ chiếm 1% toàn cầu thì trong giai đoạn 2017-2021, con số này đã tăng gần gấp 3 lần, lên 2,8%. Hàn Quốc hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới và thứ 2 tại châu Á.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc dự báo doanh thu xuất khẩu vũ khí của nước này sẽ tiếp tục tăng, đạt 10 tỷ USD trong năm nay.

Hàn Quốc - nhà xuất khẩu vũ khí có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Mẫu xe tăng K2 Black Panther được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng và Hàng không vũ trụ quốc tế Seoul, tháng 10-2021. Ảnh: Reuters

Tờ DW cho rằng chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất vũ khí tại Hàn Quốc mong muốn có doanh thu từ việc gia tăng xuất khẩu trang thiết bị quân sự. Mong muốn này đã tạo động lực để Hàn Quốc tập trung phát triển các loại vũ khí tiên tiến hơn, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nước sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. Ở chiều ngược lại, các nước đánh giá trang thiết bị quân sự do Hàn Quốc sản xuất là đáng tin cậy và có công nghệ tiên tiến với giá cả phải chăng.

“Tuy không phải là tối tân nhất thế giới nhưng trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc có mức giá cạnh tranh và chất lượng cao. Các cường quốc tầm trung, vốn luôn tìm kiếm sự cân đối giữa lợi ích và chi phí, xem trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc là một lựa chọn tốt”, tờ DW nhấn mạnh.

Lấy một dẫn chứng cho nhận định trên, tờ DW cho biết, một máy bay tiêm kích FA-50 do Hàn Quốc sản xuất có giá khoảng 30 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với máy bay tiêm kích F-35 do Mỹ sản xuất, với giá thấp nhất là 77 triệu USD. Cho dù không phải là máy bay tiêm kích tối tân nhất thế giới, nhưng FA-50 có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, trinh sát và huấn luyện với vận tốc tối đa là 1.837km/giờ.

Trong khi đó, tờ The Japan Times dẫn lời nhà nghiên cứu Siemon Wezeman tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đánh giá các loại vũ khí do Hàn Quốc sản xuất đã đạt tới “độ tinh vi” để “sánh ngang với các sản phẩm của nhiều nhà sản xuất “truyền thống hơn” như Anh, Pháp, Italy, Thụy Điển và Israel, ít nhất là về mặt công nghệ”.

Chuyên gia Jon Grevatt tại hãng phân tích quốc phòng Janes cũng cho biết, ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Hàn Quốc ngày càng “ăn nên làm ra” còn nhờ vào sự hỗ trợ của Seoul dành cho khách hàng thông qua các khoản vay, thanh toán linh hoạt, chuyển giao công nghệ, các khoản đầu tư và hợp tác trong những lĩnh vực khác ngoài quốc phòng.

Theo tờ The Korea Times, trong khi khu vực châu Á vẫn là một thị trường quan trọng, ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Hàn Quốc đang mở rộng sự hiện diện ra toàn cầu. Tờ DW cho biết, tính đến nay, các máy bay do Hàn Quốc sản xuất đã được bán cho Philippines, Iraq, Indonesia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal và Peru trong khi Argentina, Malaysia, Colombia và Ấn Độ được cho là cũng đang để mắt đến một số chủng loại.

Hàn Quốc từng đóng tàu chiến cho hải quân Thái Lan, Philippines và New Zealand cũng như các tàu chở dầu cho quân đội Anh và Na Uy. Pháo tự hành K9 Thunder-phương tiện quân sự mặt đất đắt hàng nhất của Hàn Quốc-đã được xuất khẩu sang Ấn Độ, Australia, Ai Cập và Na Uy. Nhiều quốc gia khác được cho là đang quan tâm đến việc mua vũ khí của Hàn Quốc như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Romania, Anh.

Mới đây nhất, tờ The Japan Times cho biết, Hàn Quốc đã ký thỏa thuận lên tới 19.000 tỷ won (tương đương 14,6 tỷ USD) về việc cung cấp 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther, 672 pháo tự hành K9 Thunder và 48 máy bay tiêm kích FA-50 cho Ba Lan.

Đây là thương vụ lớn nhất từ trước tới nay của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, “là một bằng chứng nữa cho thấy các nỗ lực của Seoul trong việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng đang mang lại hiệu quả”. Trong khi đó, tờ The Korea Times nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc lần đầu tiên Hàn Quốc ký thỏa thuận xuất khẩu vũ khí với một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Ba Lan.

Điều đó đã tái khẳng định “năng lực cạnh tranh về công nghệ của vũ khí Hàn Quốc, tạo cơ sở để sánh vai với 5 cường quốc xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới là Mỹ, Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc”, đồng thời “mở đường cho Hàn Quốc xuất khẩu vũ khí sang nhiều quốc gia Đông Âu khác”.

“Chất lượng và giá cả cạnh tranh của các doanh nghiệp quốc phòng Hàn Quốc là nổi bật. Rõ ràng Chính phủ Ba Lan đã nhận thấy điều đó. Ngành công nghiệp quốc phòng rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, tôi rất hy vọng sẽ có thêm nhiều thương vụ như thế này trong tương lai vì ngành công nghiệp quốc phòng có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”, Giáo sư Park Jung-won tại Đại học Dankook của Hàn Quốc nói với tờ DW.

Theo QĐND

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.