Điều đặc biệt, Birapung không phải là một con người bình thường, mà là một phần mềm trí tuệ nhân tạo, được hợp tác phát triển bởi Dapumda, một công ty khởi nghiệp chuyên về trí tuệ nhân tạo và Namaesseu, công ty công nghệ chuyên về xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Trí tuệ nhân tạo ngày nay có thể làm được cả những công việc đòi hỏi tính tư duy và sáng tạo…
Kim Tae-yeon, nhà văn và đồng thời là chuyên gia khoa học máy tính, đã chỉ đạo Birapung viết cuốn tiểu thuyết này bằng cách phác thảo chủ đề, bối cảnh và nhân vật. Dựa vào công nghệ máy học và khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Birapung đã tự mình hoàn tất cuốn tiểu thuyết dựa vào các dữ liệu đầu vào do Kim Tae-yeon cung cấp.
Theo nhà xuất bản Parabook, trí tuệ nhân tạo đã từng được sử dụng để viết truyện ngắn tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng cuốn “Thế giới từ bây giờ trở đi” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được sáng tác bởi trí tuệ nhân tạo và được phát hành tại Hàn Quốc.
“Từ trước đến nay, chỉ có những mẫu chuyện siêu ngắn được sáng tác bởi trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Giờ đây, bạn đọc sẽ có một cơ hội để trải nghiệm những nội dung được xây dựng và được viết ra bởi trí tuệ nhân tạo thông qua một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh”, đại diện nhà xuất bản Parabook cho biết.
Theo giới thiệu của nhà xuất bản Parabook, cuốn tiểu thuyết này có nội dung về 5 nhân vật chính, bao gồm một nhà toán học bị khuyết tật, một doanh nhân, một bác sĩ tâm thần, một nhà vật lý thiên văn và một nhà sư Phật giáo. 5 nhân vật này sẽ cùng nhau cố gắng tìm ra những bí mật về sự tồn tại của con người.
“Thế giới từ bây giờ trở đi” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết bởi trí tuệ nhân tạo tại Hàn Quốc, nhưng không phải là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới được viết bằng trí tuệ nhân tạo. Năm 2008, cuốn tiểu thuyết với tiêu đề “True love” (“Tình yêu đích thực”) đã trở thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới được viết bằng trí tuệ nhân tạo và được xuất bản thành sách.
Giờ đây, trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, bao gồm cả những lĩnh vực đòi hỏi sự tư duy và sáng tạo như viết báo , sáng tác nhạc hay sáng tác tiểu thuyết… điều này khiến nhiều người lo ngại rằng một thời điểm nào đó, trí tuệ nhân tạo sẽ có khả năng tư duy của riêng mình và sẽ vượt qua cả trí tuệ của con người.