Chưa bao giờ, người kinh doanh nước giải khát bên một số tuyến phố như: Nguyễn Chí Thanh, Phan Đình Phùng, Xuân Diệu, Hàm Nghi... lại bận rộn như những ngày qua. Giữa hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường, chị Biện Thị Thìn (chủ quán kinh doanh nước mía tại đường Nguyễn Chí Thanh) vẫn luôn tay ép mía, lấy nước chiết cho vào từng chai.
Chị Thìn cho biết, mía cạo đến đâu ép đến đó cho tươi mới, làm không nghỉ để kịp hàng bán cho khách
Chị Thìn chia sẻ: “Lượng nước mía bán ra những ngày qua tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Cao điểm, tôi có thể bán được hơn 100 cốc/ngày. Với giá bán 10.000 đồng/cốc, bình quân thu lãi 500.000 - 600.000 đồng/ngày. Khách tới mua nước mía chủ yếu là mang đi".
Theo chị Thìn, hiện nay, các quán còn bán thêm nước mía, nước dừa theo lít. Với chai 1,5 lít có giá từ 35.000 - 40.000 đồng tùy loại, tương đương với 5 - 6 cốc. So với bán theo cốc, giá này được cho là rẻ hơn gần một nửa nên khách chuộng hơn.
Tương tự, anh Đặng Văn Sơn (chủ quán kinh doanh nước dừa trên đường Phan Đình Phùng) cũng thừa nhận, từ khi bắt đầu đợt nắng nóng, công việc tuy vất vả hơn nhưng tính ra thu nhập gấp đôi so với ngày thường.
Tranh thủ lúc quán vãn khách, anh Sơn đẽo dừa để chuẩn bị cho lượt khách mới.
Anh Sơn cho biết, nước dừa có giá bình dân 10.000 đồng/cốc nên rất hút khách. Trung bình mỗi ngày tôi bán 40 - 50 cốc. Khách mua nhiều chủ yếu là dân công sở, công nhân công trường xây dựng, học sinh, sinh viên...”.
Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, một số cửa hàng hoa quả còn kinh doanh thêm nước ép từ dứa, dưa hấu… Đang thoăn thoắt gọt dứa để chuẩn bị ép nước, chị Đào Thị Thương (chủ cửa hàng hoa quả trên phố Xuân Diệu) vừa chia sẻ: “Mình gọt sẵn ra đây, khách đến mua chỉ việc cho dứa vào máy ép, sau 3 phút là có chai nước ép dứa nguyên chất. Cửa hàng chủ yếu bán mang đi. Khách đi đường thường vào mua một lúc vài chai cỡ 0,5 - 1 lít bỏ tủ uống dần. Mỗi ngày, cửa hàng tôi tiêu thụ trung bình 1 tạ dứa, trong đó 2/3 số quả để ép nước”.
Tiểu thương thường gọt và ép nước cho khách ngay khi chọn mua nên không lo bị pha loãng hay thêm đường.
Trước tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân có tâm lý ngại ra đường và tập trung đông người nên các cửa hàng cũng nhanh chóng chuyển sang đóng chai nước ép giải khát và nhận giao hàng tận nơi trong nội thành.
“Khách quen đặt hàng trước vài giờ, tôi gom đơn rồi ép nước một thể, sau đó đóng chai cho vào thùng xốp ướp lạnh ship ngay”, anh Trần Văn Huy (chủ cơ sở kinh doanh nước ép trên đường Hàm Nghi) cho biết.
Xách trên tay một cốc nước mía, dứa ép với giá 10.000 đồng, Nguyễn Hoài Thương (học sinh một trường THPT tại TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Nước ép hoa quả nguyên chất vỉa hè thơm ngon mà giá lại vừa túi tiền học sinh, em và bạn bè thường mua uống giải nhiệt những ngày nắng nóng”.
Giá hợp lý khiến mặt hàng nước giải khát bình dân thu hút người dùng trẻ.
Do nhu cầu tăng cao nên giá một số loại trái cây như dứa, dừa tăng lên. Hiện nay, các đầu mối nhập cho các quán hàng giải khát với giá 20.000 đồng/quả, tăng 5.000 - 7.000 đồng/quả so với mọi năm. Giá bán lẻ cũng vì vậy mà nhích theo từ 25.000 – 30.000 đồng/quả. Không nằm ngoài đà tăng, giá dứa cao hơn năm trước, dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Anh Đặng Văn Vinh (chủ đại lý bán dừa tại TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trung bình mỗi ngày cơ sở xuất bán hơn 2.000 quả cho các quán, hàng bán nước giải khát trên toàn thành phố. Giá có tăng nhưng không đủ hàng để bán. Trời càng nắng, dừa càng “cháy hàng””.
Giá dừa tăng do nhu cầu tăng cao, nhưng không vì thế làm giảm sức tiêu thụ của loại quả này.
Theo khảo sát, tại chợ đầu mối TP Hà Tĩnh, giá mía duy trì mức ổn định. Cụ thể, mía xanh ép nước giá 40.000 - 50.000 đồng/yến. Có những cửa hàng xuất sỉ mỗi ngày lên đến nghìn cây, hàng về ngày nào hết ngày đó. Các loại trái cây giải nhiệt khác như: dưa hấu, chanh leo... giá ổn định. Hiện, dưa hấu có giá 9.000 - 15.000 đồng/kg, chanh leo có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg...
Nắng nóng gay gắt, kéo dài liên tục trong những ngày qua đã tạo thêm việc làm, thu nhập cho các quán hàng kinh doanh nước giải khát vỉa hè ở TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên trong điều kiện nhiệt độ cao, nếu các loại nước ép không được bảo quản đúng cách thì rất dễ biến chất, lên men. Vì vậy, cơ sở kinh doanh nên đóng gói, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, không pha chế tạp chất, không bảo quản lâu dài bằng chất hóa học. Mỗi người tiêu dùng nên sử dụng nước ép ngay và trong vòng 24h sau để tránh mất vị và các vitamin có sẵn trong nước ép.