Không giống như hầu hết các loài động vật khác, con người không thể tổng hợp vitamin C nội sinh, do đó Vitamin C là một thành phần thiết yếu cần phải bổ sung trong chế độ ăn uống.
Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả tươi như trái cây họ chanh (cam, chanh, quýt, bưởi…). Hàm lượng vitamin C trong rau quả phân phối không đều, có nhiều ở lớp vỏ hơn ở ruột, ở lá nhiều hơn ở cuống và thân rau và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, tiêu, khoai tây, cà chua, cải xoong…
Tác dụng cho cơ thể
Vitamin C là cần thiết cho sinh tổng hợp collagen (thành phần thiết yếu của mô liên kết, đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương), L-carnitine, và một số chất dẫn truyền thần kinh.
- Vitamin C cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa một số protein.
- Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa quan trọng và đã được chứng minh có vai trò tái tạo các chất chống oxy hóa khác trong cơ thể, điển hình là alpha-tocopherol (Vitamin E).
Một số nghiên cứu đang đánh giá tác động chống lại gốc tự do của Vitamin C trong quá trình chống oxy hóa giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự phát triển của một số loại bệnh ung thư, bệnh tim mạch và các bệnh khác.
Ngoài các chức năng sinh tổng hợp và chống oxy hóa, vitamin C đóng một vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch và tăng cường sụ hấp thu sắt của cơ thể.
Sự hấp thu Vitamin C?
Khoảng 70% - 90% vitamin C được hấp thụ ở liều vừa phải từ 30 - 180 mg/ngày. Tuy nhiên, ở liều cao trên 1.000mg/ngày, khả năng hấp thu giảm xuống dưới 50%, acid ascorbic không hấp thu sẽ được bài tiết qua nước tiểu.
Một số đối tượng có nguy cơ bị thiếu Vitamin C: người hút thuốc là và người hút thuốc là thụ động, người ăn kiêng, người bị một số bệnh kém hấp thu và bệnh mạn tính…
Tác dụng của Vitamin C trên làn da?
Vitamin C là chất chống oxy hóa và đồng thời cần thiết trong một số phản ứng sinh học, đặc biệt là quá trình sinh tổng hợp collagen (chủ yếu là collagen type I và III: Collagen type I và III và loại collagen chiếm khoảng 90% collagen trong cơ thể, được tìm thấy ở da, tóc, gân, cơ…).
Vitamin C giúp giảm thương tổn của da do tiếp xúc với tia cực tím (UV).Vitamin C không phải là “kem chống nắng” vì nó không hấp thụ ánh sáng trong quang phổ (UVA hoặc UVB). Thay vào đó, khả năng chống oxy hóa của vitamin C bảo vệ da chống lại các tác hại do tia cực tím gây ra bởi các gốc tự do.
Khi được kích thích bằng tia UV, các tế bào sừng có nồng độ protein vận chuyển Vitamin C tăng cao giúp điều động Vitamin C đến bảo vệ da. Tia UV cũng làm giảm hàm lượng vitamin C trong da, tác động này phụ thuộc vào cường độ và thời gian phơi nhiễm UV. Do đó sử dụng kem chống nắng cần được chú ý để bảo vệ da trước tác hại của tia UV.
Vitamin C từ lâu được biết đến như là chất làm sáng da (thông qua sự ức chế men tyrosynase), được sử dụng trong điều trị các vấn đề về sắc tố của da như sạm, nám… Ngoài ra còn được sử dụng như là một chất chống oxy hoá, chống lão hóa thông dụng.
Nếu retinol (một dẫn xuất của vitamin A) được gọi là tiêu chuẩn vàng thì vitamin C là tiêu chuẩn bạc trong việc trẻ hóa da. Vitamin C cũng đã được báo cáo có tính làm giảm hồng ban sau điều trị laser và các thủ thuật da khác. Ngoài ra, axit ascorbic cũng đóng vai trò thiết yếu cho quá trình tổng hợp bẩm sinh collagen (loại I và III) cho nên có tác dụng làm giảm nếp nhăn trên da, giúp làn da mịn màng và căng bóng.
Lời khuyên của thầy thuốcKhuyến cáo khi dùng vitamin C dạng bôi?Vitamin C là một chất khá nhạy với oxy nên rất dễ bị mất tác dụng dưới ánh sáng mặt trời. Do đó sản phẩm cần được đựng trong chai lọ tối màu và được cất trong chỗ tối.Nồng độ vitamin C càng cao, khả năng kích ứng càng nhiều. Do đó cần lời khuyên của bác sĩ trước khi sử dụng vitamin C dạng bôi. Có thể bắt đầu từ các sản phẩm có nồng độ thấp rồi tăng dần lên nồng độ cao.Sử dụng kem chống nắng là yếu tố cần thiết bảo vệ da nhất là khi sử dụng vitamin C, việc chống nắng càng phải được coi trọng |