Một cõi đi về…

(Baohatinh.vn) - Khi tôi ngồi viết những dòng này, dòng người khắp nơi đang đổ về Đồng Lộc, hàng triệu tấm lòng của nhân dân cả nước và kiều bào nước ngoài đang hướng về miền đất thiêng ấy như những mạch máu đang chảy về tim.

Trái tim Đồng Lộc 46 năm trước từng đập mạnh mẽ và hào hùng để nuôi sống những con đường trên cơ thể đất nước bị bầm dập bởi đạn bom, nay lại bồi hồi hòa chung nhịp đập của hàng triệu con tim luôn hướng về nguồn cội. Đồng Lộc đã thành nơi đi về của biết bao con người với tấm lòng tri ân và tưởng vọng. Đồng Lộc đã trở thành một tên gọi thân thương, không chỉ với người dân Hà Tĩnh mà với đồng bào cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã thành chốn đi về của biết bao con người với tấm lòng tri ân và tưởng vọng. Ảnh: Ninh Hà

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã thành chốn đi về của biết bao con người với tấm lòng tri ân và tưởng vọng. Ảnh: Ninh Hà

Trong gần 20 năm đi về với mảnh đất thiêng này, tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động, trước hết là về những con người từng sống và chiến đấu ở nơi đây: các cựu chiến binh, cựu TNXP, cán bộ ngành GTVT, những người dân thường của Đồng Lộc và các xã lân cận. Họ, mái tóc bạc màu thời gian, khuôn mặt sạm đen, nếp nhăn tuổi tác hằn lên vầng trán mà tâm hồn vẫn vui tươi, hồn nhiên như thuở nào. Họ thì thầm bên mộ đồng đội, cẩn trọng đặt lên đó những đóa hoa trắng. Họ đứng lặng hồi lâu bên hố bom nơi 10 cô gái TNXP hy sinh, bên các kỷ vật thân thương một thời.

Anh Nguyễn Thế Linh - C trưởng C552, chị Lương Thị Tuệ - C trưởng C556, chị Nguyễn Thị Lân - C trưởng C557 TNXP; anh hùng Nguyễn Tri Ân, La Thị Tám, ông Đào Duy Quát, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 210, anh Thanh Bính, cán bộ kỹ thuật Ty Giao thông, tác giả bài thơ “Cúc ơi!” nổi tiếng, chị Thái Thị Cương, nguyên Tổng đội phó Tổng đội 55 v.v... Mỗi người một gương mặt, một dáng vẻ nhưng với họ, tôi nhận ra một điểm chung là thời gian và kỷ niệm không bao giờ trôi đi. Tuổi thanh xuân mãi còn ở lại với bao ký ức về đồng đội và một thời chiến đấu quên mình vì Tổ quốc.

Một lớp người khác tôi thường hay gặp ở Đồng Lộc. Họ đi về đây không phải để gặp đồng đội mà để bày tỏ tấm lòng thành với các anh hùng liệt sĩ, mong muốn được đóng góp một chút gì đó nhỏ bé để tên gọi Đồng Lộc vang vọng đến mai sau, vun đắp cho miền ký ức thêm xanh tươi, bền vững. Đó là các anh chị ở “Quỹ tấm lòng vàng” Báo Lao động, Báo Sài Gòn Giải phóng, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh, Hội Việt kiều ở Liên bang Nga, Bộ GD-ĐT, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Hội cựu TNXP, Sở GTVT v.v... Có người để lại tên tuổi và địa chỉ, cũng có người lặng lẽ âm thầm làm tất cả mọi việc cho Đồng Lộc với một tâm nguyện duy nhất: thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn, cho tâm hồn mình thêm trong sáng, ý chí thêm mạnh để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu.

Đêm Đồng Lộc. Ảnh: Đậu Bình

Đêm Đồng Lộc. Ảnh: Đậu Bình

Tôi chưa từng găp anh Phạm Văn Công, Việt kiều ở Liên bang Nga, người đã đóng góp 4,1 tỷ đồng để xây dựng đài phun nước nghệ thuật ở Đồng Lộc. Tôi chỉ gặp ông Phạm Canh Ba, bố anh, với lời tâm sự chân thành: “Gia đình tôi đóng góp xây dựng công trình này là để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc”.

Ngày đầu năm mới, tôi lại thường gặp các nam thanh, nữ tú, các gia đình với nhiều thế hệ về đây. Những em bé đôi mắt biếc trong, gương mặt ngây thơ đứng bên mộ 10 cô chụp ảnh lưu niệm. Những cụ già chậm rãi bước chân bên hàng bia mộ. Các bà, các chị lặng lẽ lau dòng nước mắt đang tuôn chảy. Những cô cậu thanh niên ngước nhìn những dãy tên trùng điệp trên nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc. Có người từ Bắc vào, có người từ Nam ra. Có những đoàn thiếu nhi đạp xe đến thắp hương cho các liệt sỹ. Ai cũng lặng người, rưng rưng hồi tưởng, thành kính và biết ơn.

Tôi cũng thường thấy hình ảnh các đoàn của Trung ương Đảng, Chính phủ, bộ, ban ngành, lãnh đạo tỉnh, các tỉnh bạn… trong mỗi chuyến làm việc tại Hà Tĩnh hay miền Trung đều về với Đồng Lộc. Có đoàn đến nhanh, có đoàn ở lại lâu hơn, nhưng hầu như không đoàn nào quên sắp xếp về Đồng Lộc trong hành trình của mình.

Hình ảnh tôi thường thấy lúc bình minh cũng như lúc chiều tà là các bộ sắc phục màu xanh lá cây của các anh chị Ban quản lý Khu di tích. Họ âm thầm chăm sóc cho khu mộ, các hạng mục di tích, hướng dẫn thuyết minh để ai đi về cũng ấn tượng sâu sắc về Đồng Lộc.

Hàng triệu người đã đi về với Đồng Lộc. Ở đây, mỗi ngọn cỏ, nhành cây đều gợi thương, gợi nhớ. Hố bom khắc khoải, nhói sâu lòng người. Tiếng chuông ngân vọng xoa dịu nỗi đau, ngân khúc hòa bình. Tượng đài vươn cao khát vọng trên nền trời xanh thắm. 10 ngôi mộ, 10 chiếc nôi xinh, lòng đất mẹ ru các cô giấc ngủ ngàn thu. Bao nhiêu bước chân đã, đang và sẽ tiếp tục đi về, như nhịp đập trái tim không ngưng nghỉ. Như sự sống đang từng ngày trỗi dậy trên từng mầm lá, nụ hoa…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast