Khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng: Chi phí thấp, hiệu quả cao

(Baohatinh.vn) - Bằng các giải pháp, biện pháp lâm sinh có tác động cao vào hoạt động khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng (KNXTTSR), Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã làm thay đổi rõ rệt diện tích, chất lượng rừng tự nhiên, mở ra một hướng đi mới trong phát triển rừng.

Biển báo khu vực khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên tại nơi thực hiện dự án.

Sau gần 2 tiếng băng rừng, lội suối "mục sở thị", chúng tôi đã được chứng kiến thành quả bước đầu của dự án. 65 ha rừng tự nhiên đã từng bước "thay da, đổi thịt", những tán cây đang dần phủ xanh những cánh rừng.

Anh Trần Quốc Sơn, nhân viên bảo vệ rừng, vui mừng: “Chỉ cần 5 - 10 năm nữa, Hồng Lĩnh sẽ có thêm diện tích rừng tự nhiên rộng lớn, quý giá. Khi rừng tự nhiên được chăm sóc, bảo vệ tốt sẽ là nơi trú ngụ, sinh sôi, phát triển của bao loài động, thực vật thiên nhiên khác...”.

Sau 5 - 10 năm nữa, diện tích rừng được thực hiện khoang nuôi tái sinh hôm nay sẽ có giá trị cao

Anh Dương Minh Tiến, cán bộ BQL RPH Hồng Lĩnh dẫn chúng tôi đi giới thiệu các loại cây rừng, cho biết: "Để có được những cánh rừng tự nhiên đẹp như thế này, đơn vị đã tuân thủ nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp, biện pháp tác động... Trong bảo vệ, đơn vị hợp đồng giao khoán cả giai đoạn KNXTTSR cho các hộ dân và công nhân. Họ có trách nhiệm bảo vệ rừng theo những quy định rất cụ thể."

Bên cạnh đó, đơn vị còn ký hợp đồng bảo vệ vòng ngoài với các phường xã, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của trạm, một số hộ dân ở vùng độc lập; xây dựng 2 biển tuyên truyền khu rừng khoanh nuôi cấm đốt, chặt phá rừng, săn bắt...

Cán bộ BQL RPH Hồng Lĩnh thực hiện biện pháp phát dọn bụi rậm, dây leo

"Việc tác động bằng các biện pháp kỹ thuật cũng đóng vai trò quan trọng. Do đặc thù khu vực rừng khoanh nuôi có nhiều cây dây leo, bụi rậm, các gốc cây tái sinh mọc thành cụm từ 5 – 15 cây/gốc. Để tạo điều kiện cho cây tái sinh phát triển tốt, phải tiến hành phát luỗng cục bộ những cây dây leo bụi rậm, sửa lại gốc chồi và tỉa chồi, chặt dọn cây cong, sâu bệnh, cây phi mục đích và chặt tỉa ở những nơi quá dày" - anh Tiến nói thêm.

Đám cây ngạnh nghạnh mới được khoanh nuôi, chăm sóc 2 năm đã cao to đầy sức sống.

Đó là những giải pháp và thành quả bước đầu của công trình KNXTTSR có tác động cao thuộc Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng... tại Việt Nam (UN-REDD) giai đoạn II, tỉnh Hà Tĩnh, được thực hiện địa bàn phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) do Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư...

Theo Phó BQL RPH Hồng Lĩnh Nguyễn Hải Vân, mục tiêu của công trình là: Tăng diện tích rừng tự nhiên; hạn chế mất và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên, bảo tồn và tăng cường trữ lượng carbon rừng; nâng cao nhận thức, cải thiện sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia dự án.

“Đáng mừng là mới chỉ sau 2 năm thực hiện, các mục tiêu trên đều cho thấy những tín hiệu rất tích cực, hứa hẹn thành công tốt đẹp...” - ông Vân đánh giá.

Cán bộ BQL RPH Hồng Lĩnh và Dự án UN - REDD kiểm tra độ phát triển của cây sau 2 năm khoanh nuôi, tái sinh

Theo BQL RPH Hồng Lĩnh, cùng với KNXTTS 65 ha có tác động cao, trong thực hiện Dự án UN - REDD Hà Tĩnh, Hồng Lĩnh còn thực hiện KNXTTS 660 ha có tác động thấp. Tất cả nhằm hình thành được một diện tính rừng tự nhiên trên núi Hồng Lĩnh bền vững, có giá trị bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người tham gia nghề rừng; tăng tính đa dạng sinh học...

Đây là mô hình để tiếp tục triển khai trên diện rộng, có tính hiệu quả thiết thực, ít tốn kém (trồng mới 1 ha rừng cần đầu tư mất 30 - 40 triệu đồng, KNXTTSR chỉ đầu tư mất hơn 9 triệu đồng).

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói