Kinh doanh dịch vụ ở TP Hà Tĩnh: Chú trọng phòng dịch, đẩy mạnh kênh online

(Baohatinh.vn) - Ở TP Hà Tĩnh, hoạt động thương mại - dịch vụ chiếm 63,12% cơ cấu kinh tế. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ sở buộc phải tăng chế độ phòng dịch, tận dụng cơ hội phát triển mảng bán hàng lưu động, online…

Karaoke Kingdom tăng cường công tác phòng dịch Covid-19

Kể từ thời điểm dịch Covid-19 trở lại, cơ sở kinh doanh Karaoke Kingdom tiếp tục đối mặt với khó khăn. Dù lần này, cơ sở đã có sự chuẩn bị tâm lý nhưng những tác động của dịch bệnh vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Phúc - quản lý Karaoke Kingdom cho biết: “Bình thường, dịp tết là thời điểm kinh doanh tốt nhất, song từ lúc dịch Covid-19 quay trở lại, lượng khách đã giảm từ 30 - 40% và gần như không có thời điểm nào “full” phòng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải giữ nguyên các hoạt động, từ nhân viên đến tất cả các chi phí dịch vụ.

Mỗi lượt khách trả phòng, chúng tôi đều thực hiện vệ sinh bằng các dung dịch khử khuẩn, thay toàn bộ đồ dùng và trang bị “khẩu trang” cho micro. Sau mỗi ngày lại làm vệ sinh, sát khuẩn toàn tòa nhà”.

Cơ sở còn chuẩn bị cả “khẩu trang” cho micro để đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng

Ở bàn lễ tân, cửa ra vào các phòng hát đều có nhân viên nhắc nhở khách hàng sát khuẩn tay trước khi nhận phòng. Cơ sở này cũng cẩn trọng hơn trong việc tiếp đón khách ngoại tỉnh hoặc khách đi từ vùng dịch trở về. Tăng chế độ phòng dịch đang là phương án tối ưu cho doanh nghiệp trong điều kiện “sống chung với dịch” như hiện nay.

Hiện nay, tại TP Hà Tĩnh có đến hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, karaoke. Trong điều kiện loại hình này vẫn đang được mở cửa đón khách bình thường thì việc tăng cường phòng dịch không chỉ là biện pháp đảm bảo an toàn cho sức khỏe mà còn là vấn đề “sống còn” của cơ sở kinh doanh.

“Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có nhu cầu giải trí như karaoke, xem phim hoặc ăn uống ở nhà hàng... Tất nhiên, vào thời điểm này, chúng tôi sẽ lựa chọn đến những cơ sở thực hiện chế độ phòng dịch tốt, an toàn hơn là quan tâm đến mức giá” - anh Hoàng Quân, một khách hàng tại phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) chia sẻ.

Dịch vụ nhận làm tiệc tại nhà của Nhà hàng Sen Vàng, đường Lê Duẩn đang đón nhận được sự hài lòng của khách hàng

Trong năm 2020, ngành kinh tế dịch vụ ở TP Hà Tĩnh đã có nhiều thay đổi cả về hình thức phục vụ và quản trị kinh doanh. Chẳng hạn, trong dịch vụ ăn uống, ẩm thực, dịch vụ kinh doanh hàng hóa, bán hàng trực tuyến đang chiếm ưu thế hơn lối kinh doanh truyền thống trước đây. Và, cung cấp dịch vụ tận nhà đang được nhiều nhà hàng lựa chọn để đảm bảo an toàn và ít “tổn thương” nhất vì dịch bệnh.

Suốt cả năm nay, nhà hàng Sen Vàng (đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh) đầu tư mạnh cho dịch vụ nhà hàng lưu động và nhận đặt món online, trở thành kênh kinh doanh song song với nhà hàng trực tiếp.

Mùa dịch Covid-19, bếp Sen Vàng vẫn luôn đảm bảo đủ thực đơn để phục vụ khách hàng

Anh Trần Hoàng Hà - chủ nhà hàng cho biết: “Hiện nay, chúng tôi có 1 xe chuyên dụng làm tiệc lưu động và 1 xe bán tải tăng cường khi lượng khách đặt đông. Bình quân mỗi ngày, nhà hàng nhận khoảng 7 - 10 mâm tiệc lưu động, ngày cao điểm nhất là 41 mâm. Bên cạnh đó, tại nhà hàng, chúng tôi vừa bán trực tiếp, vừa nhận ship tận nhà cho khách hàng có yêu cầu. Bởi thế, doanh thu từ bán online và nhà hàng lưu động đã bù lại cho dịch vụ trực tiếp tại nhà hàng và trang trải các chi phí”.

Hiện, Sen Vàng đang có 9 nhân viên làm việc ổn định và hơn 10 nhân viên thuê theo thời vụ để đáp ứng mảng kinh doanh mới của nhà hàng.

Kinh doanh ẩm thực trên đường Lê Duẩn không sôi động như trước đây, song các chủ nhà hàng vẫn tìm cách “sống” tốt trong mùa dịch

Cũng như nhà hàng Sen Vàng, chủ nhà hàng ẩm thực Hàn Quốc (đường Hàm Nghi) còn liên tục tương tác để bán hàng qua kênh facebook. Và, thay vì đón khách trực tiếp như trước đây thì nhà hàng đã chuẩn bị các “set” có sẵn có giá từ 150 - 350 nghìn đồng, khách hàng chỉ cần “oder” và thoải mái thưởng thức tại nhà. Dịch vụ bán hàng này còn tạo ra “đất sống” cho dịch vụ shipper.

Anh Nguyễn Huy Hùng - một shipper ở TP Hà Tĩnh cho biết: “Nhận ship cho các nhà hàng ăn uống buộc chúng tôi phải cẩn trọng hơn, ví dụ như phải đảm bảo thời gian khách nhận hàng còn tươi nóng, nguyên vẹn..."

Ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng hóa, shop hoa Ngọc Bích, đường Phan Đình Phùng cũng chú trọng hơn kênh bán online, nhận đặt hàng và ship tận nơi

Vào cuối năm 2020, giá trị thương mại - dịch vụ của TP Hà Tĩnh đạt gần 8.000 tỷ đồng, chiếm 63,12% cơ cấu kinh tế. 5 năm tới, TP Hà Tĩnh đang phấn đấu sẽ là thành phố thương mại - dịch vụ, hình thành trung tâm logistic, ưu tiên các lĩnh vực dịch vụ thế mạnh, tạo điều kiện để ngành kinh tế lớn này phát triển theo hướng chất lượng cao.

Shop nhận vận chuyển và miễn phí ship để tăng lượng tương tác với khách hàng

Theo UBND TP Hà Tĩnh, năm 2021, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tăng cường quản lý thị trường, tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường lành mạnh để các doanh nghiệp, cơ sở phục hồi kinh doanh tốt nhất.

Đồng thời, chuẩn bị cho kế hoạch tổ chức tuyến đường đi bộ gắn với chợ đêm; tập huấn kỹ năng kinh doanh, bán hàng cho người kinh doanh; lựa chọn khu vực phát triển dịch vụ, ẩm thực gắn với quy hoạch hạ tầng đô thị nhằm tăng tính đồng bộ, kết nối.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói