Tấm hình được Trung Quốc chia sẻ, cho thấy hạt giống đã nảy mầm trên Mặt trăng.
Sự kiện này là một cột mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử nhân loại, lần đầu tiên một vật chất sinh học có thể phát triển trên bề mặt của Mặt trăng. Thành tựu này cũng hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới cho việc trồng trọt trên Mặt trăng.
Tàu thăm dò Chang"e-4 (Hằng Nga 4) của Trung Quốc đã hạ cánh thành công lên bề mặt của vùng tối Mặt trăng, đây đã là một dấu mốc quan trọng khi trước đó cả Mỹ và Nga đều chưa từng thực hiện. Tàu thăm dò cũng mang theo một số một số sinh vật sống, như trứng tằm cùng 3kg hạt giống khoai tây và hoa cải xoong.
Ý tưởng của thí nghiệm là thực vật cung cấp ôxy cho tằm và ngược lại, tằm cung cấp cho hạt giống carbon dioxide và chất dinh dưỡng cần thiết thông qua chất thải của chúng. Các nhà nghiên cứu sau đó sẽ quan sát xem thực vật có thực hiện quang hợp, phát triển và nở hoa thành công hay không.
Các hạt giống đầu tiên đã nảy mầm trong một khoang kín của tàu đổ bộ, với môi trường được kiểm soát và đất trồng mang từ Trái đất lên. Các loại cây trồng, cùng với trứng tằm sẽ cố gắng hình thành một sinh quyển mini.
Bề mặt vùng tối Mặt trăng được chụp bởi tàu thăm dò Hằng Nga 4.
Trung Quốc cũng đã đăng tải hình ảnh cho thấy các hạt giống nảy mầm, gọi đây là “hoàn thành thí nghiệm sinh học đầu tiên của loài người trên Mặt trăng”.
Ông Fred Watson, nhà thiên văn học lớn của Đài thiên văn Úc cho biết: “Đây là một tiến triển tốt. Nó cho thấy rằng có thể sẽ không có những vấn đề bất khả thi đối với phi hành gia trong tương lai, để trồng trọt trên Mặt trăng trong một môi trường kiểm soát”.
Giáo sư Xie Gengxin, người chịu trách nhiệm cho thí nghiệm trồng hạt giống trên Mặt trăng cho biết: “Tìm hiểu sự phát triển của các loài thực vật trong môi trường trọng lực thấp, sẽ cho phép chúng ta đặt nền móng đầu tiên của việc xây dựng những căn cứ không gian trong tương lai”.