Làng nghề truyền thống ở Thạch Hà: Muốn "sống" phải đổi mới mình!

(Baohatinh.vn) - Làng nghề ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhìn chung phát triển nhỏ lẻ, manh mún và đang có nguy cơ bị mai một. Hướng đi nào để làng nghề ở đây vẫn duy trì được bản sắc văn hóa truyền thống nhưng phát huy được hiệu quả, bền vững là một câu hỏi chưa dễ trả lời...

Nhiều làng nghề có tiếng nguy cơ mai một

Thạch Hà hiện có 10 làng nghề, làng nghề truyền thống, đó là nón lá Phù Việt, đan lát xã Thạch Long, mây tre đan xã Thạch Liên, làm trống xã Thạch Hội, nước mắm Hoa Khôi xã Thạch Hải, đúc đồng xã Thạch Lâm, bánh đa - bánh đúc xã Việt Xuyên, bánh bún thị trấn Thạch Hà, đóng thuyền xã Thạch Long và làm muối xã Thạch Bàn.

Nghề làm trống ở Bắc Thai xã Thạch Đồng đầu ra còn bập bênh

Những làng nghề trên chủ yếu hoạt động tự phát, quy mô hộ gia đình nên chưa được đầu tư bài bản. Hiện nghề đúc đồng tại xã Thạch Lâm, đan lát xã Thạch Long đã mai một do có nhiều sản phẩm khác thay thế giá rẻ và sử dụng tiện lợi hơn. Những làng nghề khác phát triển cầm chừng cũng đang đứng trước nguy cơ "khai tử".

Nghề làm trống tại thôn Bắc Thai, xã Thạch Hội tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay và cho thu nhập khá cao so với ngành nghề khác. Anh Bùi Văn Đồng, một người làm trống ở đây cho biết: Hiện có khoảng 20 hộ làm trống giải quyết việc làm cho khoảng 40 lao động với thu nhập từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thị trường sản phẩm đầu ra còn bập bênh, chưa ổn định, các hộ sản xuất tự tìm kiếm thị trường để tiêu thụ. Trong khi đó, máy móc trang thiết bị còn nhiều hạn chế trước đòi hỏi của thị trường ngày càng khắt khe, đa dạng hóa các loại sản phẩm.

Nghề làm muối ở Thạch Bàn thu nhập thấp nên người dân không còn mặn mà

Hay nghề làm muối ở xã Thạch Bàn cũng được hình thành từ hàng trăm năm nay, giải quyết việc làm cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Nhưng nghề làm muối hiện cho thu nhập thấp, lại mang tính thời vụ nên người dân không còn mặn mà với nghề. Bởi vậy, nghề muối ở Thạch Bàn những năm gần đây không phát triển, hạ tầng đồng muối ngày càng xuống cấp... khó duy trì và phát triển.

Nhìn chung, các làng nghề ở Thạch Hà đa số đang sản xuất theo phương pháp thủ công tạo ra những sản phẩm đơn điệu khó cạnh tranh. Trong khi đó, trình độ lao động chủ yếu phổ thông và thời vụ, chủ yếu người già và phụ nữ đang tận dụng thời gian nhàn rỗi đề làm nghề. Thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất cũng là một trong nhưng nguyên nhân gây khó khăn chung cho sự phát triển.

Mạnh dạn đổi mới

Làm thế nào để làng nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục duy trì và phát triển góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là những trăn trở mà huyện Thạch Hà đang nỗ lực hướng đến.

Nghề chế biến thủy sản Thạch Hải cần ứng dụng công nghệ pin mặt trời trong quá trình sản xuất

Ông Đoàn Tiến Đạt – Chánh văn phòng HĐND, UBND huyện Thạch Hà cho biết: Quan điểm của huyện là sẽ mạnh dạn xóa các làng nghề mà thị trường không có nhu cầu để thay thế nghề mới phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, những làng nghề mà sản phẩm còn phù hợp nhưng bị suy giảm sẽ tập trung đầu tư, hỗ trợ để bảo tồn và khôi phục.

Muốn đầu ra ổn định thì trước hết các làng nghề phải biết kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm nhanh hơn, mẫu mã phong phú nhưng giá thành hợp lý. Chỉ có vậy sản phẩm của các làng nghề mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Ví như làng nghề chế biến thủy sản ở Thạch Hải thì cần ứng dụng công nghệ pin mặt trời trong quá trình sản xuất; nghề đan lát xã Thạch Liên thì đầu tư máy chẻ và rọc nguyên liệu; nghề làm trống đầu tư máy cưa để tạo hình gỗ thành những thanh nguyên liệu hình elip đều đặn thay vì làm thủ công như trước đây để giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị gia tăng....

Nghề đan lát xã Thạch Liên thì nên đầu tư máy chẻ và rọc nguyên liệu

Đi cùng với các giải pháp trên để làng nghề truyền thống ở Thạch Hà tồn tại và phát triển, các cấp ngành liên quan cũng cần có những giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn, nhất là việc quy hoạch sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Bởi, làng nghề truyền thống phát triển mới góp phần xây dựng thành công chủ trương mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trong bối cảnh Hà Tĩnh đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới thì việc duy trì và phát triển làng nghề hiện có đang rất cần thiết nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, thu hút du lịch về với làng quê, đồng thời tạo làm thường xuyên cho bà con nông dân.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói