Lắp camera tại nhà: Những sai lầm “chết người”

Để yên tâm về sự an toàn của nhà mình, nhiều người chọn cách lắp camera. Những sơ suất, chủ quan tưởng chừng như đơn giản của người dùng có thể khiến họ trả giá đắt...

Lắp đặt camera giám sát tại nhà riêng (đường Hoàng Văn Thụ, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Chưa cần bàn đến các yếu tố công nghệ cao siêu như hacker cố tình tấn công xâm nhập thiết bị hay lỗ hổng bảo mật, sự chọn lựa của gia chủ về nơi lắp máy, sơ ý về bảo mật cũng có thể khiến thiết bị được “mở cửa” cho người lạ “vào nhà” mình.

Giao phó cho người khác

Hầu hết loại camera an ninh được nhiều gia đình sử dụng hiện nay đều là dạng camera IP kết nối qua mạng Internet WiFi. Những loại này có giá rẻ đến mức bình dân, nhà nào cũng có thể mua về sử dụng. Việc lắp đặt cũng đơn giản, chỉ cần kết nối mạng WiFi, vị trí gắn đâu cũng được, miễn có nguồn điện để thiết bị hoạt động liên tục.

Tuy nhiên, việc lắp đặt có đôi chút khó khăn ở thao tác cài đặt phần mềm lên điện thoại, kết nối camera với điện thoại và thiết lập phần mềm quản lý. Dù các thiết bị và phần mềm điều khiển đều có hướng dẫn khá cụ thể, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện dễ dàng. Do vậy, nhiều người thường nhờ đến những người “rành nghề” hơn làm giúp, hoặc có thể thuê nhân viên dịch vụ kỹ thuật đến nhà cài đặt giúp.

Một trong những sai lầm của nhiều người dùng hiện nay là nhờ người khác lắp đặt các camera cho mình... rồi để họ quản lý luôn. Nhiều người dùng nhờ người khác cài đặt giúp rồi đọc luôn tên đăng nhập, mật khẩu cho họ và sau đó không “buồn” sửa lại.

Đây là điều tối kỵ trong việc bảo mật tài khoản cá nhân, dù người cài đặt giúp mình có là người quen, thân đi nữa. Nhiều người dùng sẽ không biết được rằng người kia chỉ cần nhớ tên và mật khẩu, họ chỉ việc cài đặt phần mềm quản lý lên điện thoại của họ, đăng nhập vào tài khoản quản lý là có thể “sở hữu” những hình ảnh từ chiếc camera an ninh trong gia đình khổ chủ.

Một sai lầm khác là nhiều người dùng để nguyên thiết lập mặc định của nhà sản xuất thiết bị và sử dụng, vì cứ đinh ninh chỉ có điện thoại của mình mới điều khiển được camera an ninh ở nhà. Những thiết lập mặc định có thể là dạng public (công khai, không cần mật khẩu đăng nhập) hoặc mật khẩu đơn giản (thường là 123456 hay abcdef)...

Những thông tin về thiết lập mặc định của nhà sản xuất trong các thiết bị hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Khi đó, những kẻ có ý đồ hoặc “hàng xóm” tò mò có thể dùng các phần mềm dò tìm camera hoặc phần mềm quản lý để kết nối với camera của nhà bạn.

Khi gia chủ bị theo dõi

Các chuyên gia bảo mật vẫn thường cảnh báo không có thiết bị kết nối mạng nào là an toàn tuyệt đối. Camera quan sát cũng vậy, dù chức năng của nó là “đảm bảo an ninh”. Chúng ta từng nghe nhiều chuyện như hệ thống mạng của các ngân hàng, hàng không, cơ quan an ninh bị tấn công dù được bảo mật vô cùng chặt chẽ.

Các chuyên gia bảo mật thường khuyên người dùng đừng bao giờ tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống quản lý những chiếc camera ở nhà mình. Nó hoàn toàn có thể bị kẻ xấu xâm nhập không chỉ bởi những sai lầm, chủ quan của người dùng nêu trên mà còn cả những lỗi bảo mật mạng.

Vì tin tưởng vào sự an toàn của camera an ninh, nhiều người không ngần ngại đặt camera ở những nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động riêng tư như... phòng ngủ. Lý do thì nghe có vẻ hợp lý và dễ thông cảm như: “vợ và con nhỏ hay chơi ở trong phòng ngủ nên lắp đặt ở đó để tiện quan sát”; “hay vắng nhà nên cần camera mọi ngóc ngách”... Với suy nghĩ này, chính họ đã tự đặt mình vào nguy cơ bị “theo dõi ngược” mà không hề hay biết.

Thực tế không ít lần những video quay lén “chuyện trong nhà” được đưa lên các mạng xã hội để câu “like”, “view”, trong đó có những video được “lấy trộm” từ các camera an ninh của các gia đình khổ chủ.

Trên mạng xã hội Facebook cũng từng râm ran một số câu chuyện về những đoạn video ghi lại cảnh sinh hoạt riêng tư của vợ chồng bị lộ từ chính camera an ninh trong nhà họ. Người tiết lộ đoạn video đó lên mạng (tự xưng) là thợ đã lắp đặt camera.

Hệ quả xấu của việc bị theo dõi ngược chắc chắn không chỉ đơn giản là những đoạn video sinh hoạt riêng tư trên. Một khi đã xâm nhập được hệ thống camera, những kẻ xấu hoàn toàn sử dụng vào mục đích xấu khác trong một thời gian dài.

Chẳng hạn như họ sẽ có trong tay thông tin về thói quen sinh hoạt trong gia đình; giờ giấc đi về, làm việc, đi lại của từng người trong nhà, việc đưa đón trẻ đi học, đi chơi... Thậm chí có thể là tài sản trong nhà được cất giấu ở đâu. Từ đó, kẻ xấu có thể “ra tay” thực hiện ý đồ bất kỳ lúc nào. Đến khi gia chủ hiểu chuyện thì đã quá muộn!

Tự bảo vệ mình trước camera

Điều nguy hiểm là những diễn tiến của các hoạt động này lại không thể được nhìn thấy. Người dùng không thể nhận biết được khả năng có thể gia đình mình đang bị “theo dõi ngược” bởi chính camera an ninh của mình.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc sử dụng camera an ninh đương nhiên là tốt cho sự an toàn của các gia đình, nhưng người dùng cũng không nên chủ quan đặt trọn niềm tin vào nó. Bên cạnh việc tuyệt đối bảo mật tài khoản quản trị hệ thống camera, người dùng cũng nên cân nhắc vị trí lắp đặt. Nếu không quá cần thiết, không nên đặt camera ở những nơi thường diễn ra tình huống “nhạy cảm”, nơi thường diễn ra sinh hoạt gia đình.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói