Lịch sử 100 năm xung đột Israel - Palestine

Bất kể thực tế xung đột giữa người Israel và người Palestine đã kéo dài nhiều thập kỷ, các giao tranh mới nhất, cũng đẫm máu nhất, chỉ vừa bùng lên trong 2 tuần qua.

Lịch sử 100 năm xung đột Israel - Palestine

Hơi cay nhắm vào những người biểu tình trong xung đột với Israel ở gần khu vực biên giới giữa Dải Gaza và Israel - Ảnh: GETTY IMAGES

Họa phúc không phải một ngày mà nên. Xung đột này đã bắt đầu ra sao, nó đang diễn ra thế nào và tương lai sẽ về đâu?

Từ thất bại của đế quốc Ottoman

Theo Đài BBC, sau khi đế quốc Ottoman thất bại trong Thế chiến 1 (1914-1918), Anh kiểm soát vùng lãnh thổ Palestine vốn trước đó thuộc đế quốc Ottoman (tiền thân của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

Vùng đất Palestine khi đó có phần lớn là người Ả Rập và một phần thiểu số cư dân Do Thái, nhưng không hề có xung đột nào giữa họ.

Căng thẳng giữa hai dân tộc này gia tăng khi cộng đồng quốc tế giao cho Anh nhiệm vụ thiết lập “quê hương” cho người Do Thái tại Palestine.

Do đó, với người Do Thái, Palestine là quê nhà của tổ tiên họ, nhưng người Ả Rập tại Palestine cũng khẳng định chủ quyền của họ với vùng đất này và phản đối việc sắp xếp của Anh.

Người Do Thái bắt đầu tới Palestine định cư từ năm 1917 theo kế hoạch của Anh, khi đó nắm quyền ủy trị (quyền cai trị một thuộc địa thuộc nước bại trận) Palestine. Số lượng người Do Thái di cư tới Palestine đặc biệt tăng cao trong giai đoạn Thế chiến 2 (1939-1945) nhằm chạy trốn khỏi nạn diệt chủng của Đức quốc xã.

Cùng với đó, xung đột giữa người Do Thái và người Ả Rập gia tăng. Các xung đột phản đối quyền cai quản của Anh với vùng đất Palestine cũng tăng.

Năm 1947, Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết xóa bỏ quyền ủy trị của Anh ở Palestine và chia cắt vùng đất Palestine thành hai quốc gia độc lập, của người Ả Rập (đó là nhà nước Palestine) và người Do Thái.

Người Palestine không chấp nhận nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, do đó Jerusalem tiếp tục bị chia rẽ cho đến khi Israel chiếm hoàn toàn vùng đất thiêng này sau cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967.

Lịch sử 100 năm xung đột Israel - Palestine

Thành phố Bethlehem của Palestine vào đầu thế kỷ 20 - Ảnh: GETTY IMAGES

Nhà nước Israel ra đời

Năm 1948, vì không thể giải quyết được mâu thuẫn, chính quyền Anh rời đi và các lãnh đạo Do Thái tuyên bố thành lập nhà nước Israel ngày 14-5-1948.

Nhiều người Palestine phản đối việc đó và chiến tranh bùng nổ chỉ một ngày sau đó. Quân đội của các nước Ả Rập xung quanh cũng đã nhảy vào tham chiến.

Khoảng 750.000 người Palestine hoặc phải tháo chạy, hoặc bị buộc phải rời nhà trong ngày họ gọi là “Ngày thảm họa” (al-Nakba) 15-5-1948 đã đi vào lịch sử dân tộc Palestine.

Cho tới lúc cuộc chiến kết thúc theo một thỏa thuận ngừng bắn một năm sau đó, Israel đã kiểm soát hầu hết lãnh thổ Palestine. Trong khi đó, Jordan chiếm vùng đất là khu vực Bờ Tây, Ai Cập chiếm Gaza.

Thành phố Jerusalem bị chia đôi giữa lực lượng Israel ở phía tây và lực lượng Jordan ở phía đông.

Và vì chưa bao giờ có một thỏa thuận hòa bình khi hai bên đổ lỗi cho nhau nên các cuộc xung đột và chiến tranh vẫn tiếp diễn trong vài thập kỷ tiếp theo.

Trong cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel chiếm Đông Jerusalem và Bờ Tây, đồng thời chiếm luôn gần hết cao nguyên Golan của Syria, Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập.

Hầu hết người tị nạn Palestine và con cháu họ sống tại Gaza và Bờ Tây, và cư trú tại các nước láng giềng như Jordan, Syria và Lebanon.

Họ chưa bao giờ được chính quyền Israel cho phép trở về nhà, một điều mà Tel Aviv cho rằng sẽ đe dọa sự tồn tại của nhà nước Do Thái.

Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của họ, nhưng người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem làm thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

Cho tới nay, Mỹ là một trong số vài nước công nhận tuyên bố của Israel về việc sở hữu toàn bộ Jerusalem. Cụ thể, ngày 6-12-2017, tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ về thành phố này.

Trong 50 năm qua Israel đã xây dựng rất nhiều khu nhà định cư ở các khu vực này. Hiện có hơn 600.000 người Do Thái của Israel sống tại đây.

Người Palestine cáo buộc việc xây các khu định cư và đưa dân tới ở là vi phạm luật pháp quốc tế và gây cản trở cho tiến trình hòa bình, nhưng Israel bác bỏ.

Lịch sử 100 năm xung đột Israel - Palestine

Các tướng lĩnh quân đội Israel tới Đông Jerusalem sau khi lực lượng Israel chiếm được khu vực này trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 - Ảnh: GETTY IMAGES

Chuyện gì đang xảy ra?

Trên thực tế, căng thẳng vẫn luôn nóng giữa Israel và những người Palestine sống tại Đông Jerusalem, Gaza và Bờ Tây.

Khu vực Gaza hiện do phong trào Hồi giáo Hamas (theo đường lối kháng chiến) của Palestine quản lý. Lực lượng này từng giao tranh quân sự nhiều lần với Israel.

Israel và Ai Cập siết chặt các đường biên giới với Gaza để ngăn chặn nguồn cung vũ khí cho Hamas.

Trong khi những người Palestine ở Gaza và Bờ Tây nói họ khổ sở với chính quyền Israel, Israel nói họ chỉ đang hành động để tự vệ trước bạo lực của Palestine.

Căng thẳng leo thang kể từ đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo vào trung tuần tháng 4-2021, khởi đầu từ những xung đột giữa cảnh sát Israel và người Palestine tại đền Al Aqsa.

Việc đe dọa trục xuất các gia đình Palestine ở Đông Jerusalem cũng khiến xung đột giữa hai bên bị “đổ thêm dầu”.

Lịch sử 100 năm xung đột Israel - Palestine

Bản đồ các địa danh liên quan điểm nóng Gaza ở ven bờ Địa Trung Hải, trong đó, có thể thấy rõ khu vực lãnh thổ các nước Ai Cập, Israel, Jordan và khu vực Jerusalem, Bờ Tây (West Bank) và Cao nguyên Golan (Golan Heights) - Ảnh: THE DAILY BANTER

Các mâu thuẫn chính là gì?

Có một số vấn đề mà Israel và Palestine không thể đồng thuận như: cách hành xử với người tị nạn Palestine; các khu định cư của người Do Thái tại khu vực Bờ Tây nên để nguyên hay phá bỏ; hai bên có nên chia sẻ Jerusalem không; và vấn đề then chốt nhất: có thể thành lập một nhà nước Palestine bên cạnh nhà nước Israel không.

Các cuộc đàm phán hòa bình đã được bắt đầu và kết thúc trong hơn 25 năm qua, song tới nay vẫn chưa thể giải quyết xung đột.

Tương lai nào cho vấn đề Israel - Palestine?

Nói ngắn gọn, đây là vấn đề sẽ không thể giải quyết sớm.

Kế hoạch hòa bình gần đây nhất do chính quyền Mỹ dưới thời cựu tổng thống Donald Trump soạn thảo, một kế hoạch mà thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu - gọi là “thỏa thuận thế kỷ” cũng đã bị người Palestine từ chối vì cho rằng thiên lệch.

Bất cứ một thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai, nếu có, cũng sẽ phải nhận được sự đồng thuận của hai bên trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp.

Và cho tới lúc đó, các xung đột Israel - Palestine sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Gaza ở đâu?

Gaza là một dải đất dài 25 dặm (40km) giữa Israel và Ai Cập, nằm dọc theo bờ phía đông của Địa Trung Hải. Cả Gaza và Bờ Tây (vùng đất nằm giữa Jordan và các đường biên giới được quốc tế công nhận của Israel) đều thuộc quản lý của chính quyền Palestine. Tuy nhiên từ năm 2007 Gaza thuộc kiểm soát của tổ chức Hồi giáo Hamas. Đây là khu vực có mật độ dân cư đông đúc với khoảng 2 triệu dân.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.