Thông tin nêu trên vừa được đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam chia sẻ với ICTnews sáng nay, ngày 19/3/2019. So với kế hoạch dự kiến đã được Ban quản lý tuyến cáp thông báo trước đó tới các ISP, thời điểm tuyến cáp biển Liên Á (Intra Asia - IA) bắt đầu được bảo trì lùi từ ngày 20/3 sang ngày 24/3 tuy nhiên thời gian hoàn tất công việc bảo trì, sửa chữa vẫn là ngày 20/4/2019.
|
Theo thông tin mới cập nhật, thời gian tuyến cáp quang biển Liên Á được bảo trì sẽ kéo dài từ 7h ngày 24/3 và hoàn tất vào sáng 20/4/2019 (Ảnh minh họa: Internet) |
Cụ thể, nhánh BU3 của tuyến cáp quang biển Liên Á thay đổi thời gian sửa chữa, sẽ bắt đầu từ 7h ngày 24/3/2019 đến 7h ngày 6/4/2019. Thời gian sửa chữa nhánh BU6 vẫn sẽ bắt đầu từ 7h ngày 7/4/2019 cho tới 7h ngày 20/4/2019. “Trong khi việc bảo trì, sửa chữa nhánh BU6 không gây ảnh hưởng đến dịch vụ, thì trong 13 ngày nhánh BU3 của tuyến cáp Liên Á được sửa chữa, toàn bộ lưu lượng Internet hướng kết nối đi HongKong, Singapore của tuyến cáp biển này sẽ bị mất”, đại diện ISP cho biết.
Trong trao đổi với ICTnews, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và các ISP đều cho biết, với những trường hợp cáp biển được bảo trì, bảo dưỡng có kế hoạch, các nhà mạng hoàn toàn chủ động bố trí được lưu lượng thay thế, để không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chung đối với người sử dụng. Giải pháp của các nhà mạng là tăng lưu lượng qua hướng đất liền và các hướng cáp biển còn lại.
Đơn cử như, đại diện Viettel Telecom khẳng định: “Trong thời gian bảo dưỡng tuyến cáp biển IA, mạng quốc tế của Viettel sẽ không bị ảnh hưởng do Viettel đã bổ sung đủ dung lượng trên các tuyến cáp biển khác và kết nối qua cáp đất liền”.
Với NetNam, CEO Vũ Thế Bình cho hay, nhà mạng này hiện dùng cân đối giữa hướng cáp biển IA, APG và các hướng đất liền. Do đó, trong trường hợp các tuyến IA và APG bị sự cố hoặc dừng hoạt động do bảo trì, NetNam sẽ chuyển lưu lượng qua hướng đất liền và lưu lượng thay thế qua các tuyến cáp biển khác như AAG.
Còn theo đại diện CMC Telecom, trong trường một tuyến cáp bị sự cố thì chưa ảnh hưởng mạng lưới vì CMC đang chạy trên hơn 5 hướng ra quốc tế, tuy nhiên nếu đồng thời 2 - 3 tuyến cáp gặp sự cố, được bảo dưỡng gây gián đoạn kết nối cùng lúc, CMC sẽ kích hoạt dung lượng kết nối xuyên Đông Nam Á từ Việt Nam qua Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Siangapore để có dung lượng kết nối Internet. Hạ tầng mạng này có tên là A-Grid, được CMC đưa vào sử dụng khi khánh thành cáp đường trục backbone CVCS hồi tháng 12/2017.
Theo như tin ICTnews đã đưa , trong thời gian ngắn từ tháng 2/2019 đến tháng 4/2019, liên tiếp các tuyến cáp biển quốc tế APG, AAE-1 và IA gặp sự cố hoặc được bảo trì, dẫn tới tổng lưu lượng Internet từ Việt Nam đi quốc tế đã và sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, cáp Liên Á gặp sự cố vào ngày 10/1/2019 khiến dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi Singapore, HongKong và Mỹ bị sụt giảm. Nguyên nhân được xác định là do lỗi nguồn ở Singapore. Sự cố đã được đơn vị quản lý tuyến cáp khắc phục vào ngày 27/1/2019.
Tiếp đó, sáng 13/2/2019, tuyến cáp quang biển Asia Africa Europe 1 (AAE-1) bị đứt trên cáp nhánh S1H cách trạm cập bờ HongKong 198 km gây ảnh hưởng toàn bộ lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi HongKong. Sự cố này sau đó đã được khắc phục xong vào 15h48 ngày 6/3/2019
Với tuyến cáp APG, liên tiếp trong 3 ngày 26, 27 và 28/2/2019, 3 nhánh S1.9, S1.8 và S3 của tuyến cáp biển này lần lượt gặp sự cố. Các sự cố trên 2 nhánh S3 và S1.8 của cáp APG đã được khắc phục xong vào các ngày 7/3 và 11/3/2019. Hiện tại, chỉ còn nhánh cáp S1.9 hướng kết nối đi Malaysia của tuyến cáp APG là vẫn chưa được sửa xong, dự kiến lưu lượng sẽ được khôi phục hoàn toàn vào ngày 11/4/2019.
Cáp quang biển Liên Á có tổng chiều dài 6.800 km, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, HongKong và Nhật Bản. Được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, hệ thống cáp Liên Á có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84Tbps, được đánh giá là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.