Theo Sky News, có một liên hệ chặt chẽ giữa những thanh thiếu niên có thói quen “check” (kiểm tra thông báo mới) mạng xã hội hơn 3 lần một ngày và chứng “đau khổ” về tâm lý. Những phát hiện này là kết quả của một nghiên cứu đối với gần 10.000 thanh thiếu niên của Đại học College London và Imperial College London ở nước Anh.
“Check” thông báo trên mạng xã hội hơn 3 lần một ngày có nhiều nguy cơ mắc bệnh tâm lý
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự “thống khổ” này không phải là hệ quả trực tiếp từ việc sử dụng mạng xã hội, mà nó xuất phát từ các tác động liên quan tới hành vi tiếp cận internet như bắt nạt trên mạng, thiếu ngủ và lười vận động.
Do vậy, họ đề nghị các bậc phụ huynh tránh dùng điện thoại trong phòng ngủ vào ban đêm để giữ cho con em họ không bị mất ngủ. Tiến sĩ Dasha Nicholls - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Thay vì tiếp tục chủ đề “nói đi nói lại” về tác hại của điện thoại hay mạng xã hội, bạn hãy tự hỏi bản thân xem mình có thể tắt điện thoại khi đi ngủ không?”.
Ngoài việc tránh dùng điện thoại trước lúc đi ngủ, bạn cũng cần phải vận động mọi người trong gia đình và bản thân thường xuyên ra ngoài tập thể dục hoặc tham gia bất cứ hoạt động ngoài trời nào bạn muốn. Hãy đặt câu hỏi về các tác động tiêu cực xuất phát từ các hoạt động trực tuyến và đảm bảo rằng bạn đã làm mọi thứ để bảo vệ con em mình khỏi các hành vi bắt nạt trên mạng.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Nicholls đến từ Imperial College London (Đại học Hoàng gia London) bổ sung, “với thực trạng phức tạp hiện nay, ngay cả chiếc giường êm ấm của bạn cũng không còn là nơi an toàn nữa và nếu bạn không mang điện thoại vào phòng ngủ thì ít nhiều sẽ giảm thiểu nguy cơ tiêu cực phát sinh từ chúng”.
Nghiên cứu này có sự tham khảo chéo với các dữ liệu nghiên cứu của chính phủ Anh trong dự án Our Futures Government từng tiến hành với các trẻ em ở độ tuổi từ 13-16 trong ba năm từ 2013-2016. Theo đó, có tới 43% trẻ em ở Anh dùng mạng xã hội nhiều hơn 3 lần trong một ngày ở năm đầu tiên họ nghiên cứu và tăng lên 69% ở năm thứ ba.
Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Russell Viner - chủ tịch của Đại học nhi khoa và sức khỏe trẻ em Hoàng gia Anh (Royal College of Paediatrics & Child Health) cho biết, “thuyết nhân quả lần này không xuất phát từ mạng xã hội, mà chúng tôi tin rằng những “bể khổ” của trẻ thực sự xuất hiện từ những yếu tố khác vốn bị “kích hoạt” từ mạng xã hội. Đó là vấn đề về nội dung và sự đào thải, chứ không phải là vấn đề nền tảng hay việc sử dụng mạng xã hội”.
Công trình nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí chuyên về sức khỏe dành cho trẻ em The Lancet Child & Adolescent Health số ra mới nhất.