Theo Guardian, trước đó cũng đã có 5 quốc gia khác là Australia, Argentina, Ireland, Anh và Canada yêu cầu ông chủ của Facebook ra điều trần.
Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 4/2018. |
Các quốc gia trên sẽ cử đại diện đến London vào ngày 27/11 tới với mục đích muốn nghe Mark Zuckerberg giải thích các vấn đề liên quan đến tin giả mạo, sai lệch trên mạng xã hội này.
"Có những vấn đề quan trọng cần thảo luận và ông là người thích hợp để trả lời chúng", Damian Collins, Chủ tịch ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Anh, gửi thư tới Zuckerberg.
Trước đó, trả lời New York Times, ông Collins cáo buộc Facebook "trì hoãn, chối bỏ và làm chệch hướng" những câu chuyện tiêu cực. Ông cũng đặt nghi vấn về những vi phạm dữ liệu người dùng.
Kể từ sau bê bối dữ liệu Cambridge Analytica, người đứng đầu Facebook chỉ xuất hiện trước Lưỡng viện Mỹ và nghị viện châu Âu. Zuckerberg đã liên tục từ chối các yêu cầu điều trần từ những quốc gia khác, bao gồm cả nghị viện Anh và Canada.
Với việc bổ sung ba nước mới, đặc biệt là Brazil với dân số 209 triệu người, liên minh 8 quốc gia hiện có tổng số dân lên đến 389 triệu người, cao hơn dân số Mỹ (326 triệu người). Theo các chuyên gia, đây sẽ là yếu tố để gây áp lực buộc Zuckerberg phải đứng ra trả lời câu hỏi của các chính phủ trên. Hiện Facebook chưa đưa ra bình luận nào.