Miến canh - món quà gửi từ miền Trung

Nhiều năm xa Hà Tĩnh, tôi tưởng mình đã quên mảnh đất với những cơn gió Lào và miền cát trắng trải dài vô tận. Nhưng một ngày đông tháng giá nơi đất khách quê người, nghe những người bán hàng rong rao những tiếng quen thuộc “Ai miến canh nào!” tôi lại không thể nào không tưởng nhớ đến ngày thơ bé ở con phố nhỏ thị trấn quê hương và bát miến canh của mẹ.

Bát miến canh ấy đã trở thành hình ảnh của xứ Nghệ thân yêu trong lòng tôi. Bát miến canh trong kí ức tôi thật đặc biệt, bởi vì đó là món quà độc nhất vô nhị của xứ miền Trung quê hương.

Tôi biết nhiều nơi miến canh còn có tên gọi khác là bánh canh. Và có rất nhiều loại: bánh canh cua, bánh canh thịt luộc, bánh canh giò heo, bánh canh tôm…, khác nhau chủ yếu là do nấu kèm với thịt cua, tôm, giò heo hay thịt luộc. Những loại bánh canh trên có điểm chung là hầu hết đều làm bằng bột gạo, cũng có khi pha lẫn với bột năng nên những sợi bánh canh có màu trắng sáng, trông óng chuốt và mịn màng như tơ lụa. Nhưng nguyên liệu làm miến canh ở Hà Tĩnh khác hẳn.

Sợi miến canh làm bằng bột mì nên có độ dẻo và dai. Sau khi nhào bột với nước lạnh, người ta cho từng ít bột đã nhồi mềm vào giữa hai lòng bàn tay, rồi lại xe hai lòng bàn tay vào với nhau cho khối bột nhỏ lăn thành dạng sợi dài, tuôn ra dưới hai cạnh bàn tay vào thẳng nồi nước dùng. Sợi bột lúc này chỉ nhỉnh hơn đầu đũa ăn cơm, dài chừng 2/3 thân đũa, nổi lên trên mặt giữa lúc nước đang ùng ục sôi, réo gọi người vớt ra. Sợi bánh màu trắng đục, nở ra đặc quánh, tràn đầy, và càng chín nhìn lại càng trong hơn. Nước dùng của miến canh cũng được pha chế khá cầu kỳ. Người ta thường nói phở ngon hay không là ở nước dùng.

Ta cũng có thể nói như vậy đối với miến canh. Nước dùng của miến canh vừa có vị ngọt của xương thịt, lại có vị cay của hành tím đã lột vỏ, vị béo ngậy của thịt tôm, cua và độ mặn vừa phải. Nước dùng lại được đun với lửa nhỏ, nên khi chan có sự ấm áp, thú vị diệu kì của món ăn vào một ngày mùa đông se lạnh. Khi dùng, còn có thêm gia vị hành lá, ngò lá và lá rau răm rửa sạch, để ráo cắt nhỏ cùng tiêu bột rắc lên trên bát miến canh, nên chỉ cần nhìn thấy sắc vàng ngậy của thịt cua, sắc đỏ của ớt ngọt, màu xanh tươi của hành thôi, bạn đã thấy món ăn hấp dẫn vô cùng.

Nếu ai cảm thấy vẫn còn nhạt miệng thì hãy chan ít nước chấm lên trên bát để miến canh thêm đậm đà hương vị. Bát nước chấm của miến canh phải pha từ loại nước mắm ngon nhất, chọn ớt tươi chín đỏ, bỏ hột, băm nhuyễn rồi trộn đều tùy ý để nước mắm chấm có được màu hồng đỏ tự nhiên của ớt, pha với mì chính, đường và chanh theo tỉ lệ thích hợp. Ăn miến canh lần đầu, có thể bạn sẽ thấy hơi lạ miệng và khó ăn bới độ dẻo và dai của sợi bột mì. Nên miến canh phải ăn đến lần thứ hai, thứ ba mới thấy hết được cái ngon. Gọi cho mình một bát miến canh, ăn từng sợi bánh dẻo, giòn và dai trong miệng, rồi xì xụp húp nước dùng, bạn sẽ thấy cái thú của vị nước ngọt đến xương. Và cái giá lạnh của một ngày mùa đông sắp tới dường như cũng không còn nữa với món ăn ngon độc nhất vô nhị trải dọc miền Trung này.

(Sưu tầm)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói