Minh Mạng, vua Nguyễn dùng ấn Hoàng đế chi bảo vào việc gì

Qua ghi chép trong các bộ chính sử, chúng ta biết được ấn vàng này có vị trí ra sao trong đời sống chính trị của triều Nguyễn.

Chiều tối ngày 14/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết phía Pháp đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Trước đó, khi biết tin ấn vàng Hoàng đế chi bảo của triều Nguyễn xuất hiện trong sự kiện đấu giá tại Pháp, Bộ Văn hóa đã cùng các cơ quan, tổ chức liên quan tìm kiếm giải pháp “hồi hương” ấn vàng này về đất nước.

Lý do vua Minh Mạng cho đúc ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Trong số các kim bảo tỷ (ấn vàng) của triều Nguyễn, Hoàng đế chi bảo có giá trị lịch sử đặc biệt bởi đây là chiếc kim ấn đã được hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại trao cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều 30/8/1945.

Minh Mạng, vua Nguyễn dùng ấn Hoàng đế chi bảo vào việc gì

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.

Ngược dòng lịch sử gần 200 năm trước, qua ghi chép trong bộ chính sử Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) và bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Nội các triều Nguyễn biên soạn), chúng ta biết được ấn vàng này ra đời thế nào, có chức năng gì và có vị trí, dấu ấn ra sao trong đời sống chính trị của triều Nguyễn.

Như chúng ta biết, ngay sau khi lập nước, hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long đã định ra nhiều chính sách mới như: đặt quốc hiệu Việt Nam, đặt nghi thức thiết triều, đo đạc lập địa bạ trên toàn quốc, quy định trang phục, ấn triện, tiền tệ... mới hoàn toàn so với trước.

Đến đời vua Minh Mệnh, với bản tính của một người năng động, quyết đoán, mặc dù kế thừa sự nghiệp khá vững chắc của vua cha Gia Long, ông vẫn quyết tâm cải tổ từ bộ máy hành chính, quan ngạch, quân đội, khoa cử, thuế khóa, địa giới hành chính cả nước… Song song đó ông cho chế tác và hoàn thiện các loại bảo tỷ, ấn triện mới.

Sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết thời vua Minh Mạng có 6 chiếc ấn bảo tỷ bằng ngọc, 6 chiếc ấn tôn tàng bảo tỷ, 14 ấn bảo tỷ bằng vàng, trong đó có ấn Hoàng đế chi bảo được đúc thêm vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823).

Đề cập việc này, sách Đại Nam thực lục chép: “Ngày Giáp thìn, đúc ấn Hoàng đế chi bảo (nuốm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân)”.

Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ thì cho biết: Năm thứ 9 vua dụ rằng: “Ấn báu của nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn. Khi xưa triều ta mới bình định thiên hạ, đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta định chế độ lập pháp luật, trăm việc đều mới, nhiều lần ban sắc lấy vàng đúc ra các quả ấn tín. […] Từ trước đến nay đã kính thi hành, song là lúc mới làm chưa được mười phần chu đáo”.

“Ta vâng nối ngôi báu, may gặp thái bình, những mong làm cho quy mô trước thêm rực rỡ, để tỏ rõ cho đời sau, cũng dùng vàng tốt đúc thêm ấn Hoàng đế chi bảo, Sắc mệnh chi bảo, Tư lịnh minh thời chi bảo. […] Vậy ra sau có gặp việc tôn thân huy hiệu, thì đóng ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo, gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ các thân huân, đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc, thì dùng ấn Hoàng đế chi bảo”.

Dấu ấn tượng trưng cho đế quyền

Đề cập đến vị trí của ấn vàng Hoàng đế chi bảo trong đời sống chính trị triều Nguyễn, sách chính sử của triều Nguyễn đều có những ghi chép về việc sử dụng ấn vàng này trong các sự kiện quan trọng của vương triều, từ thời vua Minh Mạng đến các đời vua kế nghiệp.

Chẳng hạn sách Đại Nam thực lục cho biết hầu hết bảng vàng các cuộc thi quan lại thời vua Minh Mạng đóng ấn Hoàng đế chi bảo. Đến năm thứ 10 [1829], Bộ Lễ xin đổi đóng ấn Khâm văn chi tỷ .

Năm Minh Mệnh thứ 11 [1830] khi đặt ấn quan Nội các, vua ra dụ và yêu cầu viết ra một bản đóng ấn Hoàng đế chi bảo chứa ở Đông các, và sao ra nhiều bản chia cấp cho nha môn trong ngoài biết hết.

Minh Mệnh năm thứ 17 [1836], mùa hạ, tháng 6, ấn ngọc tỷ hoàng đế đã khắc xong. Vua đổi định lệ: Từ sau, phàm những tờ cáo dụ các bậc thân huân, bài huấn dụ cho các quan to trong ngoài khi vua đi tuần thú xem xét các địa phương, ban sắc thư cho ngoại quốc, đều dùng ấn Hoàng đế chi bảo , cho có phân biệt (Việc đổi niên hiệu, ban đại xá, đại khánh đàm ân, thì đóng ấn ngọc tỷ).

Thời vua Thiệu Trị, Hoàng đế chi bảo vẫn là ấn vàng quan trọng và thường được vua đem theo sử dụng. Đại Nam thực lục cho biết Thiệu Trị năm thứ 2 [1842] vua “sai đem để các ấn, dấu vào điện Cần Chính. Xưa nay các ấn, dấu vẫn để nghiêm cẩn ở các hòm vàng bên tả, bên hữu trong điện Càn Thành, đến đây vì vua sắp ra Bắc, mới sai kiểm lấy những ấn thường dùng mang theo (những ấn: Hoàng đế chi bảo, Hành tại chi tỷ, Sắc chính vạn dân chi bảo, Ngự tiền chi bảo, Tề gia chi bảo, Văn lý mật sát, Thiệu Trị thần hàn").

Đến thời Đồng Khánh, ấn vàng này vẫn được sử dụng trong việc ban sắc thư cho ngoại quốc. Đại Nam thực lục cho biết: “Tháng 3, năm Đồng Khánh thứ nhất [1886], tặng giám quốc Đại Pháp và quan viên văn, võ 112 tấm long bội tinh. Tặng giám quốc: Bội tinh kỳ khôi hạng nhất và 1 bức thư, đóng ấn Hoàng đế chi bảo”.

Tóm lại, những ghi chép về ấn vàng Hoàng đế chi bảo trong các bộ chính sử của vương triều Nguyễn không nhiều, nhưng nó phản ánh được một phần nào đó vị trí hoặc dấu ấn của ấn vàng này trong đời sống chính trị triều Nguyễn, đồng thời nó cũng phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc Việt Nam.

Theo Zing

Đọc thêm

Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024

Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024

Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024 diễn ra từ ngày 8 - 10/11, gồm chương trình khai mạc; đêm giao lưu văn nghệ hai nước Việt – Trung; Giải Marathon tỉnh Lai Châu năm 2024; bế mạc Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024.
Podcast truyện ngắn: Giấc mơ

Podcast truyện ngắn: Giấc mơ

Không có ai trả lời Viên. Chỉ có những phiến đá lặng im nhìn Viên như nhân chứng của cuộc trò chuyện vừa qua. Viên chẳng biết mình mơ hay tỉnh, cô chỉ biết rằng mình đã thức dậy sau nỗi đau và còn nhiều hơn thế...
Làng gạch, gốm trăm năm ở Vĩnh Long

Làng gạch, gốm trăm năm ở Vĩnh Long

Làng nghề gạch, gốm huyện Mang Thít tồn tại khoảng 100 năm, nhìn từ xa trông như những toà tháp cổ lâu đời trầm mặc bên dòng Cổ Chiên.
Mùa thu này lên Mộc Châu chơi gì?

Mùa thu này lên Mộc Châu chơi gì?

Từ giữa tháng 10, Mộc Châu có rất nhiều thay đổi với nhiều điểm ngắm cảnh tuyệt đẹp như vườn hồng chín, những rặng hoa mận trái mùa hay làng nguyên thuỷ Hang Táu.
Gặp gỡ á quân Sao Mai xứ Nghệ quê Hà Tĩnh

Gặp gỡ á quân Sao Mai xứ Nghệ quê Hà Tĩnh

Đang là sinh viên năm 2 - Học viện Âm nhạc Quốc gia, nữ sinh Nguyễn Mộc An (quê Hà Tĩnh) đã xuất sắc đạt giải Á quân Liên hoan tiếng hát Truyền hình - Giải Sao Mai xứ Nghệ 2024.
Podcast truyện ngắn: Khi ngày mới bắt đầu

Podcast truyện ngắn: Khi ngày mới bắt đầu

Khi tới gần đường ke, cô đột ngột ngoảnh đầu lại, thấy Thành vẫn đang đứng yên ở đó dõi theo mình. Cô mỉm cười nhìn anh, thì thầm rất khẽ: Chờ em trở về khi ngày mới bắt đầu, anh nhé...
Đảo Phú Quốc đẹp thứ 2 châu Á

Đảo Phú Quốc đẹp thứ 2 châu Á

Phú Quốc được độc giả Condé Nast Traveler bình chọn đẹp thứ 2 châu Á 2024. Đây là năm thứ 3 liên tiếp đảo ngọc có tên trong bảng xếp hạng này.
Giúp học sinh hiểu thêm về Hải Thượng Lãn Ông

Giúp học sinh hiểu thêm về Hải Thượng Lãn Ông

Hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác góp phần giúp học sinh Hương Sơn (Hà Tĩnh) có thêm hiểu biết sâu sắc về vị danh y vĩ đại của ngành y học cổ truyền Việt Nam.
Bộ phim hoạt hình đang khuynh đảo Hollywood

Bộ phim hoạt hình đang khuynh đảo Hollywood

8.5 điểm trên IMDb, 85 điểm từ Metacritic và 98% cà chua tươi của Rotten Tomatoes, mọi điểm số đều cho thấy "The Wild Robot" là bộ phim hoạt hình xuất sắc của năm 2024.