“Mở đường rộng rãi để bà con cùng đi nên hiến từng ấy đất, tôi cũng không lăn tăn”

(Baohatinh.vn) - Trên 9.000 m2 đất, 7.000m tường bao, hàng ngàn ngày công đã được người dân tự nguyện đóng góp. Sức dân chính là nguồn lực quan trọng nhất để xã nghèo cán đích nông thôn mới” - ông Trần Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) khẳng định.

Thịnh Lộc là xã bãi ngang đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Hà. Đầu năm 2019, qua rà soát, đánh giá, xã chỉ mới đạt khoảng 14 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí khó, đòi hỏi nguồn lực lớn vẫn còn ngổn ngang như: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa.

Những tuyến đường được xã thảm nhựa kiên cố, sạch đẹp

Để hoàn thành khối lượng công việc lớn này, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Thịnh Lộc xác định ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện, ngân sách xã thì việc xã hội hóa từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp là hết sức quan trọng.

Muốn vậy, phải tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, cốt lõi của xây dựng NTM là phục vụ chính người dân. Đồng thời quá trình làm luôn thực hiện đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chính nhờ thực hiện bài bản các bước nên bà con đã đồng thuận, chủ động chung tay, chung sức cùng với chính quyền thực hiện các tiêu chí.

Bà con nhân dân luôn có ý thức tự giác vào cuộc trong xây dựng các tiêu chí

Từ một thôn có đường chật chội, xuống cấp, sau 1 năm vào cuộc, đến nay, thôn Quang Trung đã kiên cố 100% các đường trục thôn, ngõ xóm. Các tuyến trục thôn được mở rộng ra 6m, có hệ thống mương thoát nước, hàng rào xanh.

Ông Võ Hồng Đức - Trưởng thôn Quang Trung cho biết: “Có được bộ mặt như hôm nay, ngoài sự hỗ trợ kịp thời của xã thì sự vào cuộc của bà con trong thôn rất quan trọng. Để mở rộng đường, bà con đã phá bỏ 1,5 km tường rào, trung bình mỗi hộ phải lùi bờ tường vào 0,75m; đóng góp hàng ngàn ngày công để làm đường, mương, hàng rào xanh, nhà văn hóa thôn. Bà con ai cũng hăng hái, đồng thuận”.

Nhiều tuyến được bà con hiến đất, hiến công mở rộng ra 6m

Còn tại thôn Hòa Bình, để kiên cố được trên 5 km đường trục thôn, ngõ xóm và 5.000m hàng rào xanh, bà con đã tự nguyện hiến trung bình mỗi hộ khoảng 70 m2 đất, phá bỏ bờ rào. Còn về ngày công, theo ban cán sự thôn, cứ mỗi khi "hô" ra quân làm giao thông, mương thoát nước, trồng hàng rào xanh, vệ sinh môi trường là gần như 100% bà con có mặt và làm rất khí thế.

Là người phá bỏ gần 60m tường rào, lùi bờ tường vào hơn 1,5m, ông Phan Thanh Thiêm (thôn Hòa Bình) chia sẻ: “Mở đường ra rộng rãi, trước thì để mình và con cháu mình đi, sau là bà con thôn xóm cùng đi nên đập bỏ từng ấy bờ rào, hiến từng ấy đất tôi cũng không lăn tăn dù đã xây kiên cố”.

Ông Phan Thanh Thiêm (bên phải) tự nguyện phá bỏ 60m bờ rào để mở đường

Theo số liệu từ UBND xã Thịnh Lộc, để kiên cố gần 15 km đường trục thôn, ngõ xóm, nội đồng, 10 km rãnh thoát nước, 15 km hàng rào xanh, bà con nhân dân đã tự nguyện phá dỡ 6,8 km tường bao, 4,5 km hàng rào tạp, hiến trên 9.000 m2 và hàng ngàn ngày công lao động. Đặc biệt, cũng từ sự ủng hộ của ngưởi dân, trên 2,5 km tuyến trục chính của thôn đã trải thảm nhựa.

Theo Chủ tịch UBND xã Trần Văn Nghĩa: Sau khi tìm hiểu được thảm cacbon là một công nghệ mới, chi phí lại thấp, xã đã mạnh dạn thảm thử ở một số tuyến. Sau đó tính toán thấy chi phí thảm chỉ tương đương với đổ bê tông, thời gian thực hiện lại nhanh hơn, đẹp hơn nên đã tiến hành thảm thêm nhiều trục thôn khác.

Trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang

Cùng với nội lực của người dân, thời gian qua, xã Thịnh Lộc đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tổng nguồn vốn huy động từ năm 2011 đến 2019 là hơn 145 tỷ đồng. Nhờ đó, hệ thống đường giao thông, trường, trạm, chợ và các thiết chế văn hóa đều được đầu tư kiên cố, khang trang, đáp ứng nhu cầu của bà con nhân dân.

Trong đợt thẩm định vừa qua, đoàn liên ngành của tỉnh đã thống nhất đánh giá xã Thịnh Lộc hoàn thành 20/20 tiêu chí NTM. Đây thực sự là quả ngọt, xứng đáng cho những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, người dân xã ven biển trong suốt chặng đường vừa qua.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói