Một tuần đơn độc giữa Vũ Hán

Guo Jing, một nhân viên xã hội 29 tuổi, ghi lại nhật ký những ngày thành phố Vũ Hán bị phong toả, khi cô chỉ có một mình.

Ngày 23/1

Tôi không biết làm gì khi mình thức giấc và hay tin thành phố đã bị phong toả. Tôi không biết điều đó có nghĩa là gì, sẽ kéo dài bao lâu và tôi nên chuẩn bị những gì. Có rất nhiều bình luận phẫn nộ trên mạng xã hội rằng nhiều bệnh nhân không được nhập viện sau khi thăm khám vì thiếu chỗ điều trị, rằng các bệnh nhân bị sốt không được điều trị đúng cách.

Ngày càng nhiều người đeo khẩu trang. Bạn bè bảo tôi dự trữ nhu yếu phẩm. Gạo và mỳ gần như cháy hàng. Một người đàn ông mua rất nhiều muối và có người hỏi ông ấy tại sao lại làm thế. Ông ấy đáp: “Nhỡ lệnh phong toả kéo dài cả năm thì sao?”.

Tôi đến một quầy thuốc và ở đó đang hạn chế khách hàng. Họ đã bán hết sạch khẩu trang và chất khử trùng. Sau khi dự trữ xong thực phẩm, tôi vẫn sốc. Xe cộ, người đi bộ dần biến mất, thành phố đột ngột ngưng lại. Khi nào thành phố mới sống lại?

Đường phố lác đác xe cộ ở Vũ Hán hôm 26/1. Ảnh: AFP

Ngày 24/1

Một đêm giao thừa tĩnh lặng. Thế giới tĩnh lặng, sự tĩnh lặng đáng sợ. Tôi sống một mình, vì thế tôi chỉ có thể cảm nhận cuộc sống của mọi người qua những âm thanh thi thoảng vang lên ở hành lang. Tôi có nhiều thời gian để suy nghĩ xem mình sẽ tồn tại như thế nào. Tôi không có bất kỳ nguồn lực hay mối quan hệ nào.

Một trong những mục tiêu của tôi là không để mình ốm, vì thế tôi phải tập thể dục. Thực phẩm cũng quan trọng với sự sống còn, vì thế tôi phải biết liệu mình có đủ đồ ăn không. Chính quyền không nói sẽ phong toả thành phố trong bao lâu hay chúng tôi sẽ sống như thế nào. Mọi người bảo lệnh phong toả sẽ kéo dài đến tháng 5.

Các cửa hàng thuốc và tạp hoá ở tầng dưới hôm nay đã đóng cửa, nhưng thật may khi thấy những người giao hàng vẫn đi giao đồ ăn. Mỳ ăn liền đã hết sạch trong siêu thị nhưng vẫn còn ít gạo. Hôm nay tôi cũng đi chợ, mua cần tây, măng và trứng. Sau khi về nhà, tôi giặt toàn bộ quần áo và tắm rửa. Vệ sinh cá nhân rất quan trọng. Tôi nghĩ mình rửa tay 20-30 lần một ngày.

Ra ngoài khiến tôi cảm thấy mình vẫn còn kết nối với thế giới. Thật khó hình dung những người già cô độc và những người tật nguyền sẽ vượt qua như thế nào.

Tôi không muốn nấu nướng ít đi so với bình thường vì đây là đêm cuối của năm con lợn. Đó phải là bữa ăn tất niên.

Sau bữa tối, tôi gọi video cho bạn bè. Không có chuyện gì khác ngoài virus. Một số người đang ở những thị trấn gần Vũ Hán, một số chọn ở nhà vì dịch bệnh, số khác vẫn tụ tập bất chấp khuyến cáo của giới chức. Một người bạn ho suốt cuộc gọi khiến mọi người đùa bảo cô ấy cúp máy.

Chúng tôi trò chuyện suốt 3 giờ và tôi nghĩ mình có thể đi ngủ với những niềm vui nhưng khi nhắm mắt, kỷ niệm của những ngày qua ùa đến. Nước mắt rơi. Tôi cảm thấy bất lực, giận dữ và buồn bã. Tôi cũng nghĩ về cái chết.

Tôi không có nhiều điều hối tiếc vì công việc của tôi rất ý nghĩa. Nhưng tôi không muốn cuộc đời mình chấm dứt.

Ngày 25/1

Năm mới một mình. Hôm nay là năm mới. Tôi chưa bao giờ hứng thú với các ngày lễ Tết và giờ đây cảm thấy năm mới càng nhạt nhẽo.

Buổi sáng, tôi nhìn thấy một ít máu sau khi hắt hơi và tôi rất sợ. Tâm trí tôi toàn những lo lắng về bệnh tật. Tôi tự hỏi liệu mình có nên ra ngoài không nhưng tôi không sốt và ăn ngon miệng, vì thế tôi đã đi ra ngoài.

Tôi đeo hai chiếc khẩu trang dù mọi người nói rằng như thế là không cần thiết và chẳng ích gì. Tôi sợ chất lượng khẩu trang không tốt nên mới đeo hai cái cho an tâm.

Đường phố thật vắng vẻ. Trong siêu thị, các kệ rau trống trơn và mỳ ăn liền lẫn bánh bao đều gần như hết sạch. Chỉ còn vài người xếp hàng.

Tôi luôn có nhu cầu mua rất nhiều trong mỗi lần đi siêu thị. Tôi đã mua thêm 2,5 kg gạo, dù tôi còn 7 kg gạo ở nhà. Tôi cũng mua một ít khoai lang, bánh bao, xúc xích, đậu đỏ, đậu xanh, kê và trứng muối. Tôi thậm chí không thích trứng muối! Tôi sẽ cho bạn bè sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ. Tôi có đủ thức ăn cho một tháng và việc mua hàng có vẻ điên rồ nhưng trong hoàn cảnh này, bản thân tôi đâu có lỗi.

Tôi đi dạo bên bờ sông và thấy một số người khác cũng đang đi dạo. Tôi đoán họ cũng không muốn bị mắc kẹt trong nhà. Tôi chưa bao giờ đi dạo ở con đường này. Cảm giác như thế giới của tôi mở rộng thêm một chút.

Cảnh mọi người tấp nập mua khẩu trang ở một hiệu thuốc tại Vũ Hán hôm 25/1. Ảnh: AFP

Ngày 26/1

Hãy để tiếng nói của bạn được lắng nghe. Không chỉ là thành phố mà tiếng nói của người dân cũng bị mắc kẹt.

Trong ngày đầu phong toả, tôi không thể viết được gì trên mạng xã hội vì bị chặn. Tôi thậm chí không thể lên WeChat. Khi cuộc sống của bạn đảo lộn, việc xây dựng lại thói quen sinh hoạt hàng ngày là một thách thức. Tôi tiếp tục tập thể dục hàng sáng, dùng một ứng dụng để theo dõi quá trình luyện tập, nhưng không thể tập trung vì tâm trí nghĩ đến chuyện khác.

Hôm nay, tôi lại ra khỏi nhà và cố gắng đếm xem mình đã gặp bao nhiêu người. Tôi đã gặp 8 người khi đi bộ đến một tiệm mỳ cách nhà 500 m.

Tôi không muốn về nhà. Tôi muốn khám phá nhiều hơn. Tôi mới đến Vũ Hán được hai tháng. Tôi không có nhiều bạn bè ở đây và tôi không biết nhiều về thành phố này.

Tôi đoán mình đã gặp khoảng 100 người hôm nay. Tôi hy vọng mọi người sẽ giữ hy vọng. Các bạn, tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp lại và trò chuyện trong tương lai.

Khoảng 8h tối, tôi nghe thấy những tiếng hô vang “Vũ Hán cố lên!” từ ban công các tòa chung cư. Những tiếng hô tập thể là một cách để tự tiếp thêm sức mạnh.

Ngày 28/1

Sự hoảng loạn đã xâm chiếm mọi người.

Ở nhiều thành phố, mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Về hình thức, đây là biện pháp kiểm soát dịch viêm phổi nhưng thực sự nó có thể dẫn đến lạm quyền. Một số người không có khẩu trang đã bị đuổi khỏi các phương tiện giao thông công cộng. Tôi không biết tại sao họ không đeo khẩu trang. Có thể họ không mua được hoặc họ không biết thông báo đeo khẩu trang. Dù thế nào, họ cũng không nên bị tước bỏ quyền của mình.

Trong một số video lan truyền trên mạng, một số người đã niêm phong cửa nhà những người tự cách ly. Những người từ tỉnh Hồ Bắc bị đuổi ra khỏi nhà và không có nơi nào để đi. Tuy nhiên, một số người cũng cung cấp chỗ ở cho người Hồ Bắc.

Có rất nhiều cách để chính phủ khuyến khích mọi người ở nhà. Họ phải đảm bảo rằng mọi người dân đều có đủ khẩu trang hoặc thậm chí tặng tiền mặt cho những công dân ở nhà.

Hôm nay, cuối cùng ánh sáng mặt trời cũng đến, giống như tâm trạng của tôi. Tôi đã gặp nhiều người hơn trong khu chung cư và một vài nhân viên cộng đồng. Họ đến để kiểm tra thân nhiệt của những người không phải dân cư ở đây.

Không dễ gì để xây dựng lòng tin và mối liên kết trong tình trạng phong toả. Thành phố đã quá mệt mỏi bởi không khí nặng nề. Nỗi lo lắng của tôi về sự sống còn đang dần tan biến. Việc đi xa hơn trong thành phố sẽ trở nên vô nghĩa nếu tôi không kết nối với ai ở đây.

Tham gia vào xã hội là một nhu cầu quan trọng. Mọi người phải tìm được một vai trò trong xã hội và làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa. Ở thành phố cô đơn này, tôi phải tìm được vai trò của mình.

Theo Anh Ngọc/VnExpress/BBC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói