Mùa dâu chín

(Baohatinh.vn) - Thời gian trôi nhanh như một cơn gió, tinh nghịch như một đứa trẻ. Nó cứ âm thầm chơi trò rượt bắt với mọi người, nhưng không để ai đuổi kịp nó. Đã bao mùa dâu đến rồi đi. Và tôi đã lớn lên cùng với bao mùa dâu chín, gắn với nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Tiếng ve ngủ quên đâu đó trên những vòm lá xanh biếc. Từng nhánh bằng lăng với vài chùm hoa khô quắt queo, đung đưa trong gió. Sau vườn nhà, những bụi dâu tằm cứ trĩu trái, trên từng nhánh khô gầy.

mua dau chin

Ảnh minh họa từ internet

Mỗi lần nhìn thấy bụi dâu tằm chi chít trái, với từng cành lá khẳng khiu, tôi liên tưởng đến hình ảnh người mẹ nghèo đông con. Bao nhiêu dưỡng chất, bao nhiêu sự tốt tươi đều vun vén, bồi đắp cho đàn con nhỏ. Những trái dâu tằm căng mọng nước với đầy đủ màu sắc: xanh, đỏ, tím thẫm như tô điểm thêm cho góc vườn, là nơi đứng tránh nắng của lũ gà mái nhà tôi. Rồi hình ảnh cây dâu tằm đi vào những vần thơ, câu tục ngữ qua từng lời giảng của người thầy giáo già. Rồi những câu chuyện về nghề trồng dâu, nuôi tằm của làng tôi ngày xưa. Có gì vất vả hơn nghề nuôi tằm, những người phụ nữ thắt đáy lưng ong, suốt ngày quần quật bên từng nong tằm, mồ hôi nhễ nhại bên những đống lá dâu xanh mướt. Đêm nằm nghe tiếng tằm ăn dâu, tiếng dế kêu thảng thốt, mẹ trở mình lo lắng cho nghề truyền thống đang bị mất dần.

Giống như cây tre, cây dâu tằm gắn bó với cuộc sống chúng tôi khi sinh ra và lớn lên. Theo phong tục, mỗi nhà thường bẻ cành dâu cột lại thành 9 nhánh, nếu đứa trẻ mới sinh ra là gái; nếu đứa trẻ mới sinh là trai thì cột 7 nhánh dâu lại với nhau, rồi đặt ngay đầu nôi, để đứa trẻ được yên giấc. Khi lớn lên, những buổi tối sang nhà đứa bạn hàng xóm học bài, sợ bóng đêm, chó dữ, mẹ thường bẻ một cành dâu để chúng tôi mang theo. Vì theo quan niệm dân gian, cành dâu thường xua đuổi tà ma, đánh lại chó dữ. Rồi những buổi trưa hè oi bức, đứa nào đứa nấy người nổi đầy rôm sảy, mẹ thường hái những đọt dâu non, để nấu nước tắm cho chúng tôi. Sau vài lần tắm như thế, đứa nào cũng trở nên sạch sẽ, da dẻ mát mẻ. Những lúc tan trường, chúng tôi thường rủ nhau ngồi dưới bụi dâu để chơi trò buôn bán, bứt lá dâu làm tiền và trái dâu làm món thịt heo quay. Mỗi đứa chọn cho mình một mặt hàng để trao đổi. Rồi chúng tôi cùng nhau nhấm nháp vị chua ngọt của từng trái dâu vừa chín tới. Hương vị của dâu tằm không giống hương vị của các loại trái cây khác mà nó có chút gì đó hoang dã. Tuy không được chăm sóc, bón phân, tưới nước nhưng bụi dâu tằm đến mùa lại trĩu quả.

Trái dâu tằm được chế biến thành nhiều món như mứt dâu tằm, kem sữa chua dâu tằm, bánh bông lan dâu tằm... nhưng phổ biến nhất vẫn là dâu tằm ngâm siro. Buổi sáng, tôi ra vườn hái từng rổ dâu chín, đem rửa sạch để ráo nước. Mẹ chọn hũ thủy tinh xếp dâu thành từng lớp, sau đó, phủ kín đường, lớp đường trên cùng cho thêm vài lát gừng tươi, đậy kín nắp, ngâm trong 5 ngày. Sau đó, chắt nước cốt dâu vào nồi đun sôi đến khi sánh lại thì tắt bếp. Để nước cốt dâu nguội, cho vào một lọ thủy tinh khác. Phần xác dâu, mẹ thường bỏ đi. Mỗi khi đi học về dưới trời nắng như thiêu, như đốt của khí trời mùa hạ, hay mỗi lần cảm thấy mệt mỏi vì những đêm thức khuya học bài, nhấm nháp một ly siro dâu của mẹ cùng với vài viên đá lạnh nhỏ, mới thấy thú vị làm sao!

Năm nay, tôi đã tự chế được những cốc siro dâu ngon lành làm thức uống cho cả nhà. Và tôi biết thêm rằng, những cốc siro dâu ấy không đơn giản là loại nước uống giải khát thông thường mà nó còn chữa được nhiều loại bệnh, rất tốt cho sức khỏe. Dâu tằm - cái tên gọi thân thương đi theo cùng năm tháng, với những người dân quê tôi.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.
'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

Ra mắt ngày 4/4 tại các rạp trên toàn quốc, bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng do tư nhân đầu tư vốn “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khắp cả nước. Chỉ sau 2 ngày công chiếu chính thức, 4 ngày chiếu sớm, bộ phim đã vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng và tiếp tục tăng.