Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh đã triển khai lắp đặt hệ thống đếm số tự động cho bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh nhưng còn thiếu 5 chiếc máy tính để điều hành chương trình này.
Thời điểm này, hệ thống bệnh viện từ tỉnh đến cơ sở đang “lo ngay ngáy” vì đã sắp hết nguồn vật tư tiêu hao, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh. Theo kế hoạch, hàng năm, các bệnh viện đều hợp đồng với các nhà thầu cung cấp nguồn hàng từ 1/11 năm trước đến 30/10 năm sau. Và, từ 1/11 năm sau lại bắt đầu một “chu kỳ” mới.
Năm nay, thực hiện chủ trương mua sắm tài sản tập trung, việc lựa chọn nhà thầu được giao cho Trung tâm Tư vấn - Dịch vụ tài chính công (TV-DVTCC). Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đơn vị vẫn chưa tổ chức đấu thầu được. Vậy là, các bệnh viện lâm vào cảnh có tiền, có nhu cầu nhưng không được chủ động nguồn cung, thiếu vật tư tiêu hao, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm mà chưa biết “nhìn” vào đâu để bổ sung.
Ông Phạm Chí Công – Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Như thường lệ, năm nay, việc xây dựng kế hoạch mua sắm đã được bệnh viện thực hiện từ đầu năm. Thế nhưng, sau 4 lần gia hạn, ngày 20/10, UBND tỉnh lại tiếp tục có văn bản cho Trung tâm TV-DVTCC tổ chức đấu thầu đến ngày 15/12. Nhằm đáp ứng nhu cầu vật tư tiêu hao, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm từ ngày 1/11 đến 15/12 (trước khi có kết quả đấu thầu mua sắm tài sản tập trung), các đơn vị tự tổ chức mua sắm theo quy trình cũ.
Ông Phạm Chí Công – Trưởng phòng Tài chính Kế toán, BVĐK tỉnh “Với nhu cầu sử dụng vật tư, sinh hóa phẩm của bệnh viện, mỗi tháng phải nhập vào bình quân hơn 1 tỷ đồng. Theo quy định, trên 100 triệu đồng thì phải đấu thầu rộng rãi trong khi thời gian chuẩn bị cho đấu thầu rộng rãi thường phải mất gần 4 tháng. Thời điểm đó có khi đã có kết quả đấu thầu mua bán tài sản tập trung, có nghĩa là hoạt động tự đấu thầu của đơn vị không có giá trị. Buộc lòng, bệnh viện phải “lách luật”, chia nhỏ các gói thầu dưới 100 triệu đồng và chỉ định thầu mới kịp có vật tư phục vụ nhu cầu” – ông Công chia sẻ vướng mắc. | ||
Cũng phải chịu nhiều thiệt thòi bởi việc triển khai đấu thầu mua bán tài sản tập trung như ngành y tế là ngành giáo dục. Năm học này, toàn ngành có nhu cầu mua sắm bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đợt 1 với tổng giá trị hơn 62 tỷ đồng.
Dù đã chính thức vào năm học mới, một số trường vẫn tiếp tục đầu tư, lắp đặt trang thiết bị
Thông thường, vào đầu năm học mới, các trường học có nhu cầu được trang cấp các thiết bị cần thiết như bàn, ghế, máy vi tính, tủ đựng tài liệu. Mặc dù nhiều trường đã lập tờ trình xin mua gửi Sở Tài chính từ tháng 4/2017 nhưng đến nay mới được “chuẩn y” do kết quả đấu thầu đợt 1 mới được hoàn thành. Điều đó có nghĩa là dù đã chính thức vào năm học mới, một số trường vẫn tiếp tục đầu tư, lắp đặt trang thiết bị. Thậm chí, có trường mới đã xây dựng hoàn thành nhưng chỉ được phần “vỏ”, còn phần “ruột” thì phải chờ.
Ông Lê Quang Cảnh – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT cho biết: “Điều đáng nói là, các thiết bị, đồ dùng dạy học mang tính đặc thù cũng được gom vào “lô” trang thiết bị chung. Vậy nên, nhiều khi nhà thầu trúng thầu không có thế mạnh chuyên biệt về nguồn sản phẩm này. Cùng với áp lực về mặt thời gian, đã có hiện tượng nhà thầu có “cơ chế” cho các trường tự ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với đối tác khác”.
Không chỉ ngành y tế, giáo dục mà ở một số cơ quan, đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đều lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi nhu cầu mua sắm tài sản không được đáp ứng kịp thời. Điều đó đã gây cản trở không ít đến chất lượng hoạt động chuyên môn của các ngành, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.