Mỹ rút khỏi trật tự đa phương buộc châu Á "dò đá qua sông"

Trong lúc Washington đang ngày càng thiên về chủ nghĩa bảo hộ, nhiều nước châu Á loay hoay với một "giấc mơ Mỹ" tan vỡ và một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Chuyên gia Andrew Sheng thuộc Viện Toàn cầu Châu Á, Đại học Hong Kong, nhận định quan hệ Mỹ - Trung khó có thể phục hồi, kể cả khi Trump - Tập gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Mỹ đang ngày càng hướng nội, và phần còn lại của thế giới phải tìm cách tiếp tục phát triển trong trật tự chính trị mới này.

Xin giới thiệu bài viết của ông Sheng đăng trên South China Morning Post:

Người Trung Quốc sử dụng câu nói "dò đá qua sông" để chỉ cách tiếp cận thực dụng đối với những tình huống chưa chắc chắn, ví dụ cuộc cải cách kinh tế hoặc công cuộc Vạn lý Trường chinh. Và khi vấn đề chủ quyền bắt đầu xuất hiện, quan điểm của Trung Quốc là thực hiện các bước tiến chậm mà chắc, tùy cơ ứng biến trong từng giai đoạn, thích nghi và sinh tồn.

Cách tiếp cận này cũng tương tự châm ngôn "tri hành hợp nhất" của Vương Dương Minh, triết gia và tướng lĩnh nổi tiếng dưới thời Minh. Câu này có nghĩa trong một tình huống mà sự hiểu biết không thể giúp một người quyết định hướng giải quyết, chỉ có hành động mới cho thấy con đường tiếp theo.

Chúng ta đang ở một thời điểm như vậy của lịch sử. Trong vài tháng qua, hố sâu ngăn cách Mỹ và Trung Quốc ngày càng mở rộng, khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên ngày càng căng thẳng. Bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hồi đầu tháng 10 được xem là phát súng mở đầu một cuộc "chiến tranh lạnh". Đến tháng 11, 21 quốc gia, gồm Mỹ và Trung Quốc, không thể thống nhất tuyên bố chung tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Papua New Guinea.

Phát biểu hồi đầu tháng 10, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tấn công các chính sách của Bắc Kinh. Ảnh: Nhà Trắng.

Washington buộc các nước "chơi" theo luật Mỹ

Phần đông các nhà phân tích mong đợi quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung sẽ giảm nhiệt phần nào sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Nhưng chúng ta nên rất rõ ràng rằng ông Trump và ông Pence từ lâu đã phản ánh một sự đồng thuận rộng rãi ở Washington: Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ, trong lúc Mỹ đang ngày càng thiên về chủ nghĩa bảo hộ hơn là chủ nghĩa toàn cầu.

Như cựu chiến lược gia Steve Bannon từng phân tích, tầng lớp công nhân ở Mỹ đang giận dữ. Họ giận dữ với tầng lớp quý tộc, những người góp phần điều khiển cục diện tài chính và chính trị đã đổ hàng đống tiền vào Iraq, Afghanistan và nhiều nơi khác; những người cho phép robot và người nước ngoài "đánh cắp" hàng triệu việc làm; những người đề ra các chính sách khiến người giàu ngày càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo.

Để xoa dịu cơn giận dữ này, chính quyền Trump hạn chế nhập cư và khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nhằm "tối đa hóa giá trị công dân", một cụm từ biến đổi từ cụm "tối đa hóa giá trị cổ đông".

Giới quan sát không nghi ngờ về việc các đối tác của Mỹ, gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu, đã bị "đánh úp" bởi sự thay đổi trên. Washington đang dần rút khỏi trật tự đa phương mà họ đã xây dựng trong hơn 70 năm qua, buộc các đồng minh tự trả tiền cho quốc phòng, cắt giảm thâm hụt mậu dịch và "chơi" theo luật của Mỹ.

Mỹ có thể làm được điều này không phải vì họ là cường quốc quân sự mạnh nhất, mà là vì họ sở hữu thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Người mua luôn đúng chứ không phải người bán.

Mỹ có thể làm được điều này không phải vì họ là cường quốc quân sự mạnh nhất, mà là vì họ sở hữu thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty.

Như ông Huang Qifan, cựu thị trưởng thành phố Trùng Khánh, từng nhận xét, nước có thị trường xuất khẩu lớn chưa chắc là cường quốc kinh tế, nhưng nước có thị trường nhập khẩu lớn thì chắc chắn. Về mặt chiến lược, Trung Quốc đã nhìn nhận rõ việc phát triển tiêu thụ trong nước là cách để vươn lên.

Cuộc chiến tranh lạnh mới nổi giữa Mỹ và Trung Quốc không giống cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây vào những năm 1950, vì Liên Xô chưa bao giờ là một cường quốc thế giới về thương mại.

Tuy nhiên, Trung Quốc của ngày hôm nay là cường quốc quốc thương mại lớn nhất thế giới. Họ là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu dễ biến đổi, khó đứt gãy, khi gần như mọi vật liệu, mọi bộ phận của các mặt hàng tiêu dùng đều được lắp ráp tại Trung Quốc.

"Giấc mơ Mỹ" tan vỡ

Cuộc chiến thương mại hiện nay thực chất là sự cắt đứt những mắt xích kết nối, mà hậu quả là người giành phần thắng về ngắn hạn thì ít mà hậu quả khó lường dài về hạn thì nhiều.

Một điển hình về sự "cắt đứt những mắt xích kết nối" là Brexit. Sau hai năm đàm phán, thỏa thuận Brexit do Thủ tướng Theresa May đáng tiếc không phải là "win-win" mà là "lose-lose" (các bên đều thua). Nước Anh không thể tiếp tục tự do trao đổi hàng hóa với các nước châu Âu mà không chấp nhận quy định của Liên minh châu Âu (EU). Ngược lại, EU cũng không thể để Anh dễ dàng rời khỏi khối mà không bị tổn thương.

Cùng lúc đó, cả châu Âu và Mỹ đều không thể thoát khỏi tình trạng căng thẳng ở Trung Đông mà không làm tổn thương Israel và chính họ. Nếu thất bại, hàng triệu dân nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi sẽ tiếp tục đổ về châu Âu.

Nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama nổi tiếng vì đã dự đoán "lịch sử sẽ kết thúc" vào thời điểm cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc, với chiến thắng của chủ nghĩa tự do ở phương Tây.

Washington đang dần rút khỏi trật tự đa phương mà họ đã xây dựng trong hơn 70 năm qua. Ảnh: Bloomberg.

Nhưng điều mà chúng ta được chứng kiến đó là sự trả thù của lịch sử, địa lý, sự thay đổi nhân khẩu học và tình hình biến đổi khí hậu đáng quan ngại. Vào thời điểm mà thế giới cần đoàn kết để chống lại bất bình đẳng, sự nóng lên toàn cầu và những mặt trái của công nghệ thì sự chia rẽ của các quốc gia lại trở nên ngày càng sâu thẳm.

Ở bên này bờ Thái Bình Dương, người châu Á đã theo đuổi "giấc mơ Mỹ" hơn 70 năm qua, nhưng họ đã hy sinh tuổi trẻ, môi trường và sức khỏe vì một ảo ảnh. Chính sách tái cân bằng của Mỹ ở khu vực nên được xem xét để trở nên phù hợp hơn. Ví dụ, cách tiêu thụ "kiểu Mỹ" đã thải ra lượng carbon khổng lồ, tàn phá rừng, những con sông và rạn san hô châu Á.

Nếu Mỹ muốn đi một mình, châu Á buộc phải tìm ra cách nào đó để tiếp tục tiến lên, bằng cách dò từng viên đá, bước từng bước một.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói