Trong khi đó, trong hơn 20 năm qua, bình quân mỗi năm có khoảng 6 người leo Everest thiệt mạng. Trong số 11 người thiệt mạng vào tháng 5/2019, 9 người nằm lại ở sườn phía bên Nepal, còn 2 người chết ở sườn núi phía Tây Tạng, Trung Quốc. Đáng chú ý, có 1 người tử vong là ông Christopher Kulish, luật sư 62 tuổi người Mỹ, người chinh phục được 7 đỉnh núi cao nhất ở 7 lục địa, nhưng cuối cùng lại thiệt mạng trên đường xuống từ đỉnh Everest. Ông đã thực hiện được ước mơ trèo lên những đỉnh núi cao nhất trên mỗi lục địa và đã chết ở nơi được mệnh danh là nóc nhà thế giới.
Bức ảnh kinh điển thể hiện tình trạng quá tải và kẹt người trên đỉnh Everest. (Ảnh: CNN)
Bước qua xác chết để lên đỉnh Everest, đây cũng là cái giá phải trả để mỗi người có thể tự chiến thắng bản thân mình, giành chiếc cúp "danh giá" nhất của bộ môn leo núi. Để thu hút người leo núi, các công ty thám hiểm cạnh tranh với nhau, thi nhau giảm giá để thu hút nhiều khách du lịch hơn.
Chi phí cho 1 chuyến chinh phục Everest dao động từ 30.000 - 130.000 USD tùy hướng leo và dịch vụ đi kèm như hướng dẫn viên, trang thiết bị… Chi phí rẻ hơn nghĩa là nhiều người có thể thực hiện ước mơ chinh phục nóc nhà thế giới hơn. Và đã có những ước mơ thành hiện thực, nhưng cũng có nhiều giấc mơ Everest không thành, người leo phải chấp nhận trả giá, cái giá đắt nhất là mạng sống của chính nhà leo núi.
Rủi ro trong việc chinh phục đỉnh Everest còn do thực trạng thiếu hụt các Sherpa dày dạn kinh nghiệm. Sherpa là tộc người chuyên dẫn đường và hỗ trợ người leo núi tại vùng Himalaya. Họ là trụ cột của ngành công nghiệp leo núi, đưa khách và các thiết bị lên đỉnh Everest. Tuy nhiên, nguồn cung Sherpa đã không theo kịp số lượng người leo núi Everest tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ qua.
Lợi nhuận đang khiến vấn đề an toàn bị xem nhẹ. Đây là mối quan ngại hàng đầu hiện nay khi Chính Phủ Nepal đã cấp số lượng kỷ lục 381 giấy phép leo Everest trong mùa leo núi năm nay. Mỗi giấy phép có giá 11.000 USD, mang đến nguồn thu ngoại tệ khổng lồ cho Nepal. Trước tình trạng số ca tử vong đạt mức cao nhất trong nhiều năm, đang có nhiều ý kiến kêu gọi Chính phủ Nepal cần hạn chế cấp phép và tăng cường kiểm soát du khách chinh phục đỉnh Everest.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ Nepal cần đặt ra giới hạn số người được leo núi trong 1 năm, kiểm soát chặt việc người leo núi phải đạt chứng nhận về kinh nghiệm cũng như sức khỏe. Ngoài ra, Nepal cũng cần kiểm soát các công ty leo núi giá rẻ, chuyên cung cấp dịch vụ không an toàn hoặc hạ thấp yêu cầu đối với khách hàng về thể lực và kinh nghiệm.