Ngân hàng dừng tăng phí rút ATM - khách hàng vẫn chưa hết lo

(Baohatinh.vn) - Cách đây ít ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo dừng tăng phí ATM ở các ngân hàng. Dù vậy, động thái này cũng không làm khách hàng trong cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng yên tâm hơn…

Nhiều người cho rằng, mỗi chiếc thẻ ATM đang "cõng" quá nhiều loại phí, trong khi tiện ích chưa tương xứng

Đầu tháng 5, phí rút tiền của chủ thẻ Vietinbank tại các máy rút tiền tự động VietinBank đã được tăng lên 1.560 đồng (đã gồm VAT) với thẻ thông thường và 2.200 đồng với thẻ Gold, Pink. Phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM của VietinBank cũng được thông báo là 11.000 đồng.

Tiếp đó, Agribank, Vietcombank đều “rục rịch” cho lộ trình biểu phí mới, sẽ tăng phí rút tiền nội mạng qua ATM thêm 550 đồng/giao dịch so với trước, từ mức 1.100 đồng lên 1.650 đồng/giao dịch. Tuy nhiên, lộ trình đó chưa được thực hiện thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo dừng tăng phí rút ATM vào thời điểm này. Đây có thể coi là một động thái làm “lắng” xuống sự băn khoăn của dư luận suốt từ đầu năm đến nay.

Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo dừng tăng phí rút ATM ở thời điểm này

Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đã có quy định về khung và mức phí của dịch vụ rút tiền nội mạng và ngoại mạng, buộc các ngân hàng phải tuân thủ. Theo đó, các ngân hàng sẽ có những chính sách và lộ trình riêng để phù hợp với quy định. Tại địa bàn Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, chưa có ngân hàng nào vi phạm vượt mức trần quy định”.

Trên thực tế, ngay cả các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn cũng phải thừa nhận việc thực hiện chính sách tăng phí từ hệ thống của mình đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều. Bằng chứng cho việc này là từ đầu năm đến nay, số giao dịch cũng như việc phát triển một số dịch vụ có thu phí như E-mobilebanking, Enternetbanking, ATM… đều khó khăn hơn.

Vietcombank chưa thực hiện tăng phí rút tiền mặt sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Nguyễn Thị Hoàn - một khách hàng ở Thạch Hà cho hay: “Dù gì lợi ích cũng phải được hài hòa giữa người cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Vào những dịp lễ tết, máy ATM quá tải thì việc hết tiền, máy lỗi thường xuyên xảy ra. Nhất là sự cố máy “nuốt” tiền, có khi cả tuần lễ mới giải quyết xong…”.

Còn chị Nguyễn Thị Lý (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cũng không khỏi bức xúc: “Tôi dùng dịch vụ của Vietcombank, phí thu vừa tăng hồi tháng 3, mỗi tháng phải nộp 11.000 đồng phí SMS chủ động, 11.000 đồng Mobilebanking, mỗi lần chuyển khoản nội mạng là 2.200 đồng. Rồi đến lượt tăng phí rút ATM, mỗi tháng khách hàng bỏ ra cả trăm nghìn chỉ để duy trì dịch vụ”.

Điều nhiều người quan tâm, liệu hiệu lực chỉ đạo tạm dừng tăng phí rút tiền tự động sẽ kéo dài được bao lâu? Trong khi, động thái tăng phí dịch vụ ngân hàng nói chung và rút tiền tự động nói riêng lại bắt đầu từ những “ông lớn” ngân hàng, nơi có lượng phát hành thẻ chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường sẽ có tác động như “tiền trạm” cho biểu phí tăng lên trên toàn hệ thống các ngân hàng.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 35/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012, các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3/2013 và nêu rõ lộ trình tăng trong các năm tiếp theo. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho 1 giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2014 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói