Từ những năm 1980, thời còn "áo trắng" sinh viên, cứ tới 5h30 chiều, chúng tôi lại nghe loa phát thanh công cộng phát đi bài Người Hà Nội, mở màn cho chương trình thời sự của Đài Phát thanh Thủ đô Hà Nội. Nghe quen thuộc đến mức khi giọng nam trầm sang sảng cất lên Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu… là chúng tôi biết buổi học trong ngày đã kết thúc.
Nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi
Một bất ngờ thú vị, khóa học chúng tôi hồi đó được ông Nguyễn Đình Thi đến nói chuyện thơ. Ông đọc những bài thơ sáng tác trong kháng chiến về đất nước, về quê hương, về tình yêu. Thấy ông say sưa kể chuyện về đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, bỗng một sinh viên đứng dậy hỏi: “Chúng em ai cũng biết nhà thơ là "cha đẻ" của bài hát Người Hà Nội. Vậy xin hỏi nhà thơ, bài hát ấy được sáng tác trong hoàn cảnh nào ạ?”. Đôi mắt sáng lên, ông nhìn xuống hội trường rồi hỏi: "Thế trong lớp có ai hát cho tôi nghe bài hát này không?". Chị Ngô Hoàng Giang mạnh dạn bước lên cầm chiếc mi-cơ-rô hát. Giọng nữ sinh miền Nam ấm áp và sâu lắng khiến nhà thơ bồi hồi xúc động, ông đưa tay đánh nhịp theo lời bài hát. Khi nghe tới đoạn: Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu. Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thấm máu hồng tươi. Một ngày thu non sông chiến khu về, đường vang tiếng hát cuốn lòng người. Đoàn quân Việt Nam đi. Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao..., tôi thấy ông đứng sững người vì quá xúc động. Thế rồi, ông kể lại quá trình sáng tác bài hát này cho chúng tôi nghe.
“Người Hà Nội" được viết trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, đó là giai đoạn cả nước hướng về chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947. Một thời điểm vô cùng khó khăn và gian khổ nhưng cháy bỏng tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện" mở màn để chống thực dân Pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Thủ đô Hà Nội nhất tề đứng dậy, cả Hà Nội giăng đầy hầm hào, chiến lũy, cả Hà Nội rầm rập những đội cảm tử quân với niềm tin chiến thắng mãnh liệt. Từ đó, ông nung nấu, muốn sáng tác một ca khúc để khích lệ khí thế cách mạng đang sục sôi.
Một hôm, trên đường đi công tác, nhà thơ ghé vào làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ. Ông dừng chân ở đất ngoại thành Hà Nội vào đêm 19/12/1946, đúng thời điểm "Toàn quốc kháng chiến" nổ ra giữa Thủ đô Hà Nội. Chính ông đã chứng kiến những tiếng súng gầm vang và lửa khói ngút trời, để rồi nuôi ý tưởng sáng tác một bài ca về Hà Nội ngàn năm văn hiến và một Hà Nội anh hùng. Trong ngôi nhà trú tạm tại làng Khúc Thủy hôm đó, ông lại phát hiện ra 1 chiếc đàn piano của chủ nhà vì vội tản cư chưa kịp mang theo.
Thế là trong một đêm mưa gió sập sìu, không sao ngủ được, Nguyễn Đình Thi đã chong ngọn đèn dầu tập gõ đàn piano, tự nhiên, Người Hà Nội được hình thành. Nhưng viết đến đoạn: Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội hồng ầm ầm rung, Hà Nội vùng đứng lên… thì phải dừng lại, vì dòng chảy âm nhạc tự nhiên bị tắc tị. Bản nháp bài hát ông để cẩn thận trong cuốn sổ tay thơ. Hai ngày sau, tình cờ, anh Thép Mới - bạn chí cốt của nhà thơ làm ở báo Cứu Quốc, đã đọc được và động viên ông cố gắng viết cho xong để kịp in trên báo Tết Cứu Quốc, gửi tặng các chiến sỹ Trung đoàn quyết tử ở Liên khu Một. Nhờ đó, bài hát Người Hà Nội sau nhiều lần ông lao tâm khổ tứ, chỉnh đi, chỉnh lại từng câu từ, nốt nhạc mới thành công.
Cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ Nguyễn Đình Thi với sinh viên Khoa Báo chí tháng 9/1980, tuy chỉ 4 tiếng đồng hồ nhưng chuyện đời, chuyện nghề của ông khiến thế hệ chúng tôi không thể nào quên. Nay nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã thành người thiên cổ nhưng nhiều tác phẩm của ông cùng với bài ca Người Hà Nội vẫn sống mãi trong trái tim mọi người. Một Hà Nội mến yêu hào hoa, phong nhã và một Hà Nội cháy khói lửa ngập trời là những suối nhạc luôn chảy vào thời đại với một sức mạnh phi thường, một sức sống diệu kỳ. Suối âm nhạc đó thể hiện dòng tư tưởng lớn của một nhà thơ suốt cả cuộc đời đi theo cách mạng, yêu Đảng, yêu nhân dân và yêu Thủ đô Hà Nội.