Người bệnh mạn tính cần lưu ý gì khi trời nắng nóng?

Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người, nhất là đối với những người mắc bệnh mạn tính. Nếu người bệnh không được theo dõi, chăm sóc và kiểm soát bệnh chặt chẽ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm...

Người bệnh tăng huyết áp

Người bệnh tăng huyết áp được khuyến cáo hết sức thận trọng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng. PGS.TS. Nguyễn Đức Hải (BV Trung ương quân đội 108) cho biết, nắng nóng sẽ gây nên các tác động tới huyết áp, đó là gây giãn mạch, ra nhiều mồ hôi gây mất nước và điện giải. Sự chênh lệch đột ngột giữa nhiệt độ trong nhà (vốn hay mở máy điều hòa) và ngoài trời (đang nắng nóng) khiến sự co, giãn của mạch máu cũng bị thay đổi đột ngột, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của huyết áp.

Các tác động này đều dẫn đến nguy cơ hạ huyết áp quá mức, nhất là các bệnh nhân có nguy cơ hạ huyết áp tư thế, đặc biệt người cao tuổi. Hạ huyết áp quá mức dẫn đến thiếu máu nội tạng, nhất là thiếu máu não dẫn đến ngất xỉu, thậm chí tai biến. Chưa kể còn một nguy cơ khác là đang nóng (gây giãn mạch) lại vào lạnh (như vào phòng, vào xe ô tô có điều hòa) gây co mạch đột ngột. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp thường có thành mạch “giòn” nên sẽ dễ tổn thương.

Trời nóng còn khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp vì thế cũng tăng theo. Khi người bệnh ngủ không ngon do nắng nóng, sẽ dễ xuất hiện tình trạng huyết áp tăng cao vào ban đêm làm tổn hại tim mạch.

Để tránh nguy cơ bệnh tăng nặng, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim... PGS. TS. Nguyễn Đức Hải khuyên: Cần tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ, không đột ngột từ phòng lạnh ra ngoài trời nóng. Không nên để nhiệt độ phòng quá lạnh, nhiệt độ phù hợp nên từ 26ºC trở lên; chú ý sử dụng các thuốc hạ áp, nhất là khi phối hợp nhiều thuốc hạ áp có tác dụng giãn mạch; không nên làm việc hay vận động nhiều ngoài trời nhằm đề phòng giãn mạch quá mức. Nếu không thể tránh, nên làm việc lúc sáng sớm trước 10 giờ hoặc khi chiều muộn sau 15 giờ, nhưng làm vừa sức.

Người bị tăng huyết áp vẫn cần vận động nhẹ nhàng, quan trọng là biết tập luyện điều độ, phân bổ hợp lý về cường độ và thời gian tập. Nên vận động toàn thân với nhịp độ chậm vừa, có thể chọn các bài tập dưỡng sinh, bơi lội, lên xuống cầu thang chậm rãi, đi xe đạp chậm, đi bộ... Tập đều đặn 30 phút mỗi ngày vào những lúc trời râm mát. Nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày và uống đều đặn, không nên đợi đến lúc khát mới uống. Không nên uống nhiều thức uống có đường, nước ngọt có gas...

Ngoài ra, hạn chế ăn muối, bột ngọt, các nước chấm mặn. Tránh thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc. Ăn nhiều rau quả xanh, trái cây để cung cấp chất xơ cho cơ thể. Đồng thời, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu và tránh các chất kích thích như cà phê...

Người bệnh tim mạch

Khi thời tiết nóng nực làm cho cơ thể đổ mồ hôi dẫn tới mất nước nên có nguy cơ rối loạn nước và điện giải. Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, có thể xuất hiện những biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy thận trước thận (thận không đủ nước để lọc). Thời tiết nắng nóng cũng dễ làm xuất hiện tác dụng phụ của các thuốc điều trị kèm theo như các thuốc ức chế men chuyển (làm suy thận, tăng creatinin trong máu). Thể tích tuần hoàn giảm sẽ gây hiện tượng máu bị cô đặc, trở thành điều kiện thuận lợi cho tai biến tắc mạch do huyết khối, đặc biệt nguy hiểm đối với những người dùng thuốc chống đông không đầy đủ.

Để giảm những nguy cơ trên, theo PGS.TS. Nguyễn Đức Hải, bệnh nhân suy tim đang dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu và các thuốc ức chế men chuyển nên uống nước nhiều hơn, uống nhiều lần trong ngày, không nên để cơ thể rơi vào tình trạng khát nước, tránh đi lại ngoài đường trong trời nắng gắt, thường xuyên ở trong môi trường có điều hòa nhiệt độ càng tốt.

Trời nắng nóng ảnh hưởng xấu tới người bệnh tim mạch, tăng huyết áp.

Bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành thường có mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Do đó, mối nguy hại cho người bệnh tim mạch là khi thời tiết nắng nóng, thể tích tuần hoàn giảm sẽ dễ làm cho động mạch vành thuyên tắc hơn, làm cho bệnh càng thêm nặng nề. Các bệnh nhân này cần phải uống thuốc và uống nước đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể sẽ giảm được nguy cơ đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim.

Khi thời tiết nóng nực làm cho cơ thể đổ mồ hôi dẫn tới mất nước nên có nguy cơ rối loạn nước và điện giải. Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng đối với bệnh nhân mạn tính, có thể dẫn đến đột quỵ, tử vong...

Người bệnh đái tháo đường

Vào mùa hè, những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như đột quỵ, hạ đường huyết, ngộ độc ceton acid…

Theo đó, bệnh nhân cần lưu ý và người thân cũng cần có sự quan tâm nhiều hơn đối với những bệnh nhân này. Khi có dấu hiệu ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, có thể là biểu hiện cảnh báo đột quỵ nhiệt, cần nhanh chóng xử lý bằng cách cho uống nước mát. Nếu không thấy đỡ thì ngay lập tức phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Khi nhiệt độ thời tiết tăng lên khoảng 33 độ C, cơ thể bị đổ mồ hôi ngay cả khi không vận động thì cần chú ý uống bổ sung đủ lượng nước cần thiết. Không nên uống cùng một lúc quá nhiều nước hay uống nước đá quá lạnh.

Thường xuyên kiểm tra chỉ số lượng đường trong máu, bởi dễ có nguy cơ hạ đường huyết đột ngột. Đặc biệt là đối với bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi, các triệu chứng hạ đường huyết thường không rõ rệt nên càng cần phải chú ý đến việc giám sát chỉ số đường huyết bằng cách đo thường xuyên, chú ý bổ sung thức ăn nhẹ giữa các bữa ăn và ăn phụ trước khi đi ngủ.

Một nguy cơ nguy hiểm của bệnh đái tháo đường khi thời tiết nắng nóng là ngộ độc ceton acid dẫn tới hôn mê. Đây là trạng thái biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất, nếu không kịp thời xử lý sẽ thường dẫn đến tử vong.

Các biểu hiện khi huyết áp thấp do nắng nóng.

Một số biểu hiện ngộ độc ceton acid gồm tiểu nhiều, khát nước và muốn uống nước nhiều kèm mệt mỏi. Khi nặng hơn sẽ có các triệu chứng chán ăn, buồn nôn, ói mửa, nhức đầu, cáu gắt, thờ ơ lơ đãng và các triệu chứng khác... Khi nghi ngờ rơi vào trạng thái ngộ độc ceton acid, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện để điều trị ngay lập tức.

Ngoài ra, để hạn chế những nguy hại do thời tiết nắng nóng gây ra, người bệnh đái tháo đường nên hạn chế ra ngoài nắng nhất là khoảng thời gian từ 11 giờ đến 3 giờ chiều, vì người bệnh thường rất nhạy cảm nên khi tiếp xúc với ánh nắng dễ bị dị ứng gây yếu da và làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Nếu bắt buộc phải ra ngoài trong thời gian này, bạn nên che chắn cơ thể, không để da tiếp xúc với ánh nắng mạnh.

Do thời tiết nóng ẩm người bệnh rất dễ bị nhiễm khuẩn mắt, hơn nữa khi mắc bệnh này khiến cho các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc suy yếu, dần dần sẽ làm bệnh nhân dẫn đến nhìn mờ, thậm chí là mù lòa nếu mắc đái tháo đường nặng. Do vậy, người bị tiểu đường là nên thường xuyên kiểm tra mắt, khoảng 3 tháng một lần hoặc khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường ở mắt.

Theo sukhoedoisong.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói