Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Bà và nhà thơ Mỹ Dạ quen thân nhau từ năm 1973 khi họ học cùng khóa 3 tháng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở nhà sáng tác Quảng Bá, Hà Nội (nay là Bảo tàng Văn học Việt Nam).
Trong ký ức của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Mỹ Dạ rất xinh đẹp, dễ thương, khiến 3 chàng trai học cùng tìm cách tán tỉnh.
“Thơ Mỹ Dạ rất nhiều bài hay nhưng hôm nay, tôi chỉ xin đọc một câu của Mỹ Dạ làm tôi rơi nước mắt và thương yêu cô ấy biết bao. Đó là”Ước gì cầm được cô đơn - Ném thia lia để hóa buồn thành vui“…”, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho hay.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (Ảnh: Facebook nhân vật).
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình, sống cùng chồng - nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - tại Huế. Năm 2013, bà cùng chồng chuyển vào TP Hồ Chí Minh sống cùng con gái.
Lâm Thị Mỹ Dạ nổi tiếng trên thi đàn từ năm 1971, sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ với bài Khoảng trời, hố bom. Tác phẩm từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn cấp 3, được nhiều thế hệ học sinh yêu mến.
Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978, từng học Trường viết văn Nguyễn Du, tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô cũ), Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV.
Bà từng giành giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1971-1973; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Bài thơ không năm tháng; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983), Đề tặng một giấc mơ (1988).
Năm 2005, tập thơ Cốm non (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Mỹ.