Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bước đầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay, Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất, kinh doanh sữa bột với 573 loại.
Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.
Ngoài ra, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều người khác thành lập ra 9 công ty, mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Hacofood và Rance Pharma. Trong khoảng 4 năm, nhóm này đã tiêu thụ các loại sữa ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Những thông tin về vụ việc sữa bột giả này đã gây chấn động dư luận, khiến người tiêu dùng toàn quốc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng cảm thấy bức xúc, hoang mang và lo lắng, đặc biệt là những người đang sử dụng sữa cho con nhỏ, người bệnh.
Trên nhiều nhóm, hội của các bà mẹ bỉm sữa ở Hà Tĩnh, sữa đang trở thành chủ đề “hot” được quan tâm thảo luận. Nhiều người bày tỏ hoang mang và không biết sử dụng loại nào để đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, có những trường hợp hết sức lo lắng vì đã từng sử dụng loại nằm trong danh mục nhãn hiệu sữa do các công ty sản xuất sữa giả vừa được công bố.
Chị T.A (TP Hà Tĩnh) cho hay: Thời điểm con mình mới được 1 tháng tuổi, vì con không dung nạp lactose (là một loại đường có trong sữa và các chế phẩm từ sữa) nên mình có đưa khi đi khám ở phòng khám tư và được bác sĩ tư vấn uống một loại sữa đặc chủng hơn. Khi đường dây sản xuất kinh doanh sữa giả bị triệt phá, mình kiểm tra lại trong danh sách thì có loại sữa từng cho con uống. Giờ nghĩ vừa thấy thương con, vừa lo lắng không biết liệu có ảnh hưởng gì sức khỏe của con không.
Trong khi đó, chị N.T.H.T. (Can Lộc) cảm thấy lo lắng vì con mình cũng là “nạn nhân” của loại sữa mang tên Celac Colostrum 24h (thuộc danh mục sữa của các công ty trong đường dây sản xuất giả vừa được công bố – PV).
Chị H.T. chia sẻ: “Gia đình tôi cho con sử dụng sữa công thức từ khi mới sinh ra đến nay. Giai đoạn bé được hơn 6 tháng, được bác sĩ tư vấn, tôi có cho con uống một hộp sữa Celac. Vừa qua, khi phát hiện ra loại này nằm trong danh mục sữa giả, tôi thấy bất an vô cùng. Trẻ sơ sinh thì phụ thuộc hoàn toàn vào sữa để phát triển, tôi đã tin vào lời tư vấn và thấy thành phần trên vỏ sữa có nhiều dưỡng chất nên tin tưởng, không ngờ lại cho con uống sữa giả”.
Không chỉ là những người từng cho con sử dụng sữa của các công ty này mà nhiều bà mẹ khác còn bày tỏ lo lắng về chất lượng sữa hiện nay. Có không ít người đã đăng lên các nhóm để hỏi về loại sữa đang dùng liệu có phải là “sữa cỏ” hay không (“sữa cỏ” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ sản phẩm sữa không có hoặc có ít tên tuổi trên thị trường và hầu hết không đảm bảo chất lượng – PV).
Theo nhiều “mẹ bỉm sữa”, thị trường sữa như một “ma trận” với hàng trăm, hàng nghìn nhãn hiệu. Trong khi đó, các loại sữa lại có tên gọi thường na ná nhau như nên rất dễ nhầm lẫn, không phải ai cũng đủ thông thái để chọn đúng.
Chị Hà Trang (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) bày tỏ: “Gia đình tôi có 2 bé, đều sử dụng sữa công thức từ khi mới sinh ra. Mỗi lần mua sữa cho con, tôi đều đọc và tìm hiểu thông tin, xem kỹ mã vạch, tem chống giả. Tuy nhiên, “ma trận" sữa thật - giả lẫn lộn như thế này thì người tiêu dùng dù thông thái đến mấy cũng rất dễ mua phải hàng giả bởi bằng mắt thường không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả”.
Tại Hà Tĩnh, theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), đơn vị không thực hiện công bố sản phẩm đối với 11 công ty sản xuất sữa bột giả vừa bị phát hiện.
Bà Đào Thị Phương – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Thực hiện văn bản số 733/ATTP -PCTTR ngày 14/4/2025 của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiến hành rà soát theo yêu cầu. Kết quả cho thấy, chi cục không tổ chức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và không tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm sữa bột liên quan đến 11 công ty trong danh sách của Cục An toàn thực phẩm nêu. Qua thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính hàng năm, chi cục không phát hiện sai phạm trong kinh doanh, buôn bán sản phẩm sữa bột liên quan đến các công ty này. Sắp tới đây, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành lồng ghép nội dung kiểm tra về mặt hàng sữa lưu thông trên địa bàn”.
Tuy nhiên, sản phẩm không công bố trên địa bàn cũng không thể khẳng định là trên thị trường Hà Tĩnh không có các nhãn hiệu sữa của các công ty này sản xuất, bởi thực tế, rất khó kiểm soát được việc người bán tự ý mang sản phẩm sữa về để bán.
Theo các ngành chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn mua những thương hiệu sữa có uy tín lâu đời, xem kỹ các thông tin và tìm hiểu xem sản phẩm có được công bố hay không. Với các sản phẩm hàng nhập ngoại thì nên mua những sản phẩm có tem phụ tiếng Việt, được nhập khẩu theo con đường chính ngạch.