Hồ Abraham, Canada: Hồ Abraham nằm ở chân khu vực núi Canadian Rocky, được hình thành năm 1972 sau khi đập Bighorn Dam xây dựng. Mặc dù do con người tạo ra, nước trong hồ cũng có màu sắc giống như các hồ băng tự nhiên khác trong khu vực do dòng chảy của bột đá. Hồ Abraham là địa điểm nổi tiếng thu hút những người đi bộ đường dài và các nhiếp ảnh gia. Những bong bóng trắng trong hồ là các túi khí metan hình thành khi lá và động vật chết, chìm xuống đáy và bị tiêu diệt bởi vi khuẩn, sau đó thải ra khí. Ảnh: Feel The Planet. |
Eo biển xanh, Iceland: Một trong những điểm tham quan được nhiều người ưa thích nhất của Iceland là eo biển xanh, một spa địa nhiệt giàu khoáng chất. Nơi đây được hình thành vào năm 1976, thực chất, đây là nước thải từ một nhà máy điện gần đó. Mọi người bắt đầu tắm trong vùng nước ấm này vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX và spa chính thức khai trương vào năm 1992. Đến eo biển xanh, du khách cũng có thể nghỉ tại khách sạn Silica gần đó, nơi có phòng ngủ đi kèm hồ bơi riêng. Ảnh: Nido Huebl/Shutterstock. |
Hồ Kariba, Zimbabwe: Hồ Kariba là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất thế giới, được tạo ra bằng việc xây dựng đập Kariba vào năm 1958. Diện tích của hồ là khoảng 5.400 km2, trải dài dọc theo biên giới Zambia và Zimbabwe. Trong quá trình xây dựng đập nước, có hàng nghìn động vật đã được giải cứu khỏi chết đuối, và hiện nay, vẫn còn hàng trăm thân cây đã chết nhô lên khỏi mặt nước. Ảnh: Lynn Y/Shutterstock. |
Hồ công viên trung tâm, New York, Mỹ: Cho đến những năm 1850, công viên Trung tâm ở New York là một quần đảo trên một vùng đất hoang vu. Sau đó, nơi đây được 2 nhà thiết kế Frederick Law Olmsted và Calvert Vaux biến đổi thành một khu vực bao gồm rừng, môi trường sống cho động vật hoang dã, bãi cỏ, khu vui chơi và trung tâm là hồ nước tuyệt đẹp. Ngày nay, công viên là một trong những địa điểm đông du khách nhất trong thành phố, thu hút cả người dân địa phương và khách du lịch quốc tế. Ảnh: GagliardiImages/Shutterstock. |
Hồ Kenyir, Malaysia: Hồ nhân tạo lớn nhất ở Đông Nam Á là Kenyir ở Malaysia có diện tích khoảng 1/3 diện tích của Singapore. Hồ được hình thành vào năm 1985 khi nhà máy điện hạt nhân Mahmud của Sultan xây đập tại sông Kenyir. Ngoài việc cung cấp điện cho khu vực này, vùng nước rộng lớn này cũng góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch đến địa phương. Hồ được bao quanh bởi rừng mưa nhiệt đới tươi tốt, và là địa điểm du lịch hoàn hảo cho những người yêu thiên nhiên. Đi thuyền là cách duy nhất để ghé thăm các hang động và thác nước rải rác xung quanh bờ. Bên cạnh đó, câu cá, quan sát các loài chim, chèo xuồng cũng là những hoạt động phổ biến tại đây. Ảnh: PuwaneSeetha/Shutterstock. |
Hồ Campotosto, Italy: Hồ Campotosto ở vườn quốc gia Gran Sasso, Italy được xây dựng vào những năm 1930 nhằm tạo ra một hồ chứa nước có thể được sử dụng trong thủy điện cho thung lũng Vomano gần đó. Bao quanh hồ là gần 50 km đường mòn, nơi đây là địa điểm phổ biến cho hoạt động chạy bộ, leo núi, đạp xe và ngắm mặt trời lặn. Ảnh: Gimas/Shutterstock. |
Walthamstow, London, Anh: Khu đất ngập nước lớn nhất châu Âu ở Walthamstow, London đã mở cửa đón khách du lịch từ tháng 10/2017. Dự án trị giá hơn 10 triệu USD này mất một thập kỷ để hoàn thành, biến một loạt các hồ chứa nhân tạo thành một khu bảo tồn thiên nhiên tuyệt đẹp với những đường mòn tự nhiên cùng môi trường sống lý tưởng dành động vật hoang dã. Du khách đến đây có thể trải nghiệm hơn 20 km đường mòn đi bộ, đi xe đạp. Ngoài ra còn có trung tâm dịch vụ nhìn ra đường chân trời London cũng như quán cà phê và khu vực vui chơi. Ảnh: Walthamstow Wetlands/Facebook. |
Hồ Dunstan, New Zealand: Hồ Dunstan ở South Island, New Zealand, đi qua thị trấn nhỏ Cromwell có diện tích gần 26 km2. Hồ được hình thành trên sông Clutha sau khi xây dựng đập Clyde, được hoàn thành vào năm 1993. Hiện nay, nơi đây là điểm thu hút du lịch lớn, cung cấp một loạt các hoạt động từ du thuyền, chèo thuyền đến câu cá, bơi lội, dã ngoại hay cắm trại. Ảnh: Coffee Blended/Shutterstock. |
Bukit Katak, Malaysia: Bukit Katak (hay Frog Hill) ở Penang, Malaysia từng là một mỏ đá và đã bị bỏ rơi cách đây 12 năm, ngay sau đó, nước mưa đã biến nơi đây thành các hồ nước đầy màu sắc. Khu vực này bị lãng quên trong gần một thập kỉ và trở thành điểm nóng về du lịch khi những bức ảnh chụp cảnh quan nơi đây bắt đầu xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Hồ Bukit Katak ngày nay phổ biến với những người đi bộ leo núi, thợ lặn vách đá và nhiếp ảnh gia. Ảnh: Zul Kefli/Shutterstock. |
Hồ Nasser, Ai Cập: Nằm ở miền nam Ai Cập, hồ Nasser là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất thế giới, trải dài trên diện tích hơn 5.200 km2. Hồ được hình thành khi đập nước Aswan được xây dựng trên sông Nile từ năm 1958 đến năm 1970. Việc tạo ra hồ đã đe dọa đến một số ngôi mộ và đền thờ lịch sử dẫn đến hoạt động tháo dỡ và di dời các di tích này đến nơi an toàn hơn, trong số đó có đền The Great ở Abu Simbel, được di dời vào năm 1968 đến bờ phía Tây của hồ. Mỗi năm, hồ nước thu hút hàng nghìn du khách ghé thăm. Ảnh: Jeremy Red/Shutterstock. |
Hồ Guerlédan, Pháp: Hồ nước nhân tạo Guerlédan tuyệt đẹp nằm ở trung tâm Brittany, Pháp. Hồ được tạo ra để cung cấp nước cho đập Guerlédan, được xây dựng từ năm 1923 đến năm 1930. Nơi đây có tầm nhìn toàn cảnh ngoạn mục cùng đường đi bộ, đi xe đạp rộng rãi và nhiều môn thể thao dưới nước như lướt ván, chèo xuồng hay chèo thuyền kayak. Ảnh: Mathieu Brient/Flickr/CC BY-NC-ND 2.0. |
Hồ Thiên Đảo, Trung Quốc: Hồ Thiên Đảo ở Chiết Giang, Trung Quốc, có diện tích gần 600 km2, hình thành vào năm 1959 sau khi trạm thủy điện và đập thủy điện sông Thiên được xây dựng. Việc xây dựng hồ đã khiến một khu vực rộng lớn với 2 thành cổ bị nhấn chìm trong nước và buộc 290.000 người phải di dời nhà cửa. Ngày nay, du lịch trong khu vực nổi tiếng với các chuyến đi thuyền và hoạt động lặn khám phá tàn tích cổ diễn ra từ giữa tháng 4 đến tháng 11. Ảnh: LIUSHENGFILM/Shutterstock. |