Họ cẩn thận thắt nút các dây buộc an toàn, kiểm tra kỹ dây đu, ghế đu, khóa chống trượt, đeo lên mình lỉnh kỉnh những dụng cụ lau kính, dung dịch tẩy rửa, đồ bảo hộ lao động, và không quên mang theo chai nước lọc để uống. Khi mọi thứ đã an toàn gần như tuyệt đối, “người nhện” bước chân lên giá nâng rồi từ từ thả mình bám theo các lớp kính bóng loáng, trơn trượt của những tòa cao ốc.
Một ca làm việc trên tòa nhà cao tầng của anh Kiều Đình Hùng - nhân viên Công ty TNHH Vệ sinh Nhà sạch (TP Hà Tĩnh) bắt đầu như thế.
Đu mình lơ lửng giữa không trung, thợ lau kính các tòa nhà cao tầng được ví như những "người nhện".
“Nghề này không dành cho người tinh thần, sức khỏe yếu, sợ độ cao”. Đúng như lời anh Hùng chia sẻ, đứng ở độ cao gần 100m chứng kiến anh Hùng và các đồng nghiệp “treo” mình lơ lửng giữa trời, tôi không khỏi cảm giác chóng mặt. Công việc của những “người nhện” này không chỉ đơn giản là làm sạch bụi bẩn mà còn phải giữ an toàn cho bản thân, không làm dụng cụ rơi rớt để tránh gây tai nạn cho những người ở phía dưới. Chỉ một sai lầm nhỏ, họ có thể phải trả giá rất đắt.
Mọi thao tác trước khi bắt đầu công việc đều được tiến hành cẩn thận bởi chỉ một sai sót nhỏ, người thợ có thể phải đánh đổi cả mạng sống.
Hầu hết các tòa nhà cao tầng đều được bao bọc bằng kính nên không có chỗ đu bám, mỗi “người nhện” phải tự giữ mình cho thật chắc bằng những dụng cụ chuyên dụng. Với những người thợ làm nghề này, gió là yếu tố nguy hiểm nhất.
Anh Nguyễn Tuấn Bình - đồng nghiệp của anh Hùng cho biết: “Không giống như đứng trên mặt đất, khi lơ lửng trên không trung thì dù là một cơn gió nhẹ cũng đủ làm chúng tôi bị đung đưa như con lắc đồng hồ. Do vậy, trước khi bắt đầu công việc, tất cả các thiết bị bảo hộ phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối, quan trọng nhất là sức khỏe, tinh thần. Ở độ cao đó, chỉ cần một giây “hụt hơi” cũng dễ xảy ra tai nạn”.
"Người nhện" lỉnh kỉnh đủ thứ đồ nghề bên mình để không chỉ làm sạch công trình mà còn đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Không chỉ đòi hỏi thể lực, để làm được công việc này, “người nhện” còn phải có sức bền, sự cẩn thận và một "thần kinh thép". Trong lúc làm việc họ phải hạn chế di chuyển khi không cần thiết, tầm với luôn trong tầm kiểm soát để không bị hụt tay, mất thăng bằng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Đánh cược mạng sống trên những tòa nhà chót vót, thu nhập mà những người thợ lau kính nhận được cho một ngày khoảng 500 - 700 nghìn đồng, tùy vào độ cao của công trình và tay nghề của thợ. So với các đồng nghiệp làm công việc vệ sinh nhà cửa thông thường thì thợ lau kính ngoài trời như anh Hùng thu nhập khá hơn nhiều. Nhưng có lẽ, những áp lực họ phải vượt qua khi lơ lửng giữa trời, sự lo lắng của người thân mỗi khi họ bắt đầu công việc thì khó mà đong đếm được. Chẳng thế mà, vào nghề với anh Hùng có rất nhiều người nhưng để trụ lại được cho đến nay ở TP Hà Tĩnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Công việc của họ không dành cho những người "yếu tim"
Những người không trụ được với nghề một phần do bản thân họ không chịu được áp lực, nhưng hầu hết là do không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Anh Lê Văn Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Vệ sinh Nhà sạch cho biết: “Để tuyển dụng và đào tạo một thợ lau kính nhà cao tầng chuyên nghiệp không dễ. Sau 3 năm hoạt động, công ty chúng tôi cũng chỉ mới đào tạo được 5 người. Làm thợ lau kính nhà cao tầng phải có kiến thức về kỹ thuật thi công trên cao, am hiểu các loại vật liệu xây dựng hiện đại, chất tẩy rửa… để vừa làm sạch, không hư hỏng công trình, vừa đảm bảo an toàn trong quá trình lao động”.
Không chỉ đòi hỏi sức khỏe, "tinh thần thép", thợ lau kính còn phải có kiến thức về kỹ thuật thi công, am hiểu các loại vật liệu hiện đại.
Trong thời điểm hiện tại, nhu cầu lau kính nhà cao tầng ở Hà Tĩnh chưa lớn như các thành phố khác. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đô thị, nhu cầu này sẽ tăng nhanh theo thời gian. Đồng nghĩa với việc, đội quân “người nhện” ngày càng có đất “dụng võ” với đầy đủ tính chuyên nghiệp, hiện đại của nghề.