Nuốt nghẹn liên tục: Coi chừng co thắt tâm vị

Co thắt tâm vị là chứng bệnh nguy hiểm, gây loét, thủng thực quản; nếu viêm loét thực quản kéo dài dẫn đến loạn sản và bị ung thư thực quản.

Đặc biệt bệnh gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và làm việc dẫn đến chất lượng cuộc sống rất thấp. Nhiều bệnh nhân khó nuốt và nuốt nghẹn liên tục không biết mình mắc co thắt tâm vị mà thường nghĩ viêm nhiễm hầu họng, thậm chí nghĩ mình mắc ung thư nên rất lo lắng. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị là vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân co thắt tâm vị?

Bệnh co thắt tâm vị có đặc điểm nổi bật là rối loạn hoạt động của thực quản. Đoạn cuối của thực quản đổ vào dạ dày bị co thắt và hẹp lại, còn đoạn trên bị giãn to ra. Bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hay dây thần kinh X, do ngạt thở vì trào ngược thức ăn vào khí quản, do suy dinh dưỡng ở giai đoạn muộn.

Nguyên nhân của bệnh chưa biết được rõ ràng, nên ngoài tên “co thắt tâm vị”, bệnh còn có nhiều tên gọi khác nhau: co thắt thực quản, giãn thực quản không căn nguyên, giảm bẩm sinh thực quản, co thắt vị hoành, hẹp tâm vị thực quản, hẹp đoạn dưới thực quản không có căn nguyên...

Tuổi mắc bệnh từ 18-40; nữ bị bệnh nhiều hơn nam; người có dạng thần kinh không cân bằng, dễ xúc cảm, nhất là người cường hệ phó giao cảm; người ăn nhiều gluxit, ít protit, thiếu vitamin nhóm B; người có thói quen ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh; mắc bệnh nhiễm khuẩn như: sốt phát ban, lao, giang mai, nghiện rượu, thuốc lá, phơi nhiễm chất hóa học, rối loạn nội tiết, viêm dính quanh thực quản, loét tâm vị, giảm trương lực hoặc giảm nhu động cơ thực quản...

Cách phát hiện bệnh

Bệnh tiến triển tiềm tàng, khi bệnh nhân đến khám thì thực quản thường đã giãn to. Lâm sàng thường có các biểu hiện khó nuốt, nuốt nghẹn. Vấn đề đó thường xảy ra đột ngột, có người sau xúc động mạnh. Thức ăn nuốt vào bị ứ lại đột ngột, nhất là thức ăn đặc.

Mức độ khó nuốt phụ thuộc vào tính chất lý hóa của thức ăn nhưng giữa các trường hợp không giống nhau. Có bệnh nhân uống sữa dễ, nhưng uống nước lại khó, có bệnh nhân ăn thức ăn nóng dễ nhưng ăn lạnh lại khó, có bệnh nhân lại ngược lại. Do nuốt nghẹn, nên có bệnh nhân vừa ăn, vừa đi lại, bữa ăn kéo dài hàng giờ. Cảm giác vướng sau xương ức, cảm giác này kéo dài ở một số bệnh nhân trong nhiều giờ, do thức ăn ứ lại ở đoạn dưới của thực quản.

Bệnh nhân đau ở sau xương ức. Nhiều khi đau như trong cơn đau thắt ngực, dùng nitroglyxerin thấy dễ chịu. Cơn đau này không liên quan với hoạt động về thực lực.

Ở thời kỳ đầu, khi thực quản còn giãn ít thì bệnh nhân khó nuốt và nôn sau khi ăn. Ở thời kỳ sau, khi thực quản giãn rộng, thức ăn ứ đọng làm đầy thực quản thì nôn muộn hơn nhưng khối lượng nhiều hơn.

Bệnh nhân nôn một cách tự nhiên. Có bệnh nhân dùng tay móc họng để nôn ra cho dễ chịu. Ở thời kỳ muộn bệnh nhân nôn sau khi ăn 4 - 5 giờ. Có khi nôn lúc đổi tư thế từ ngồi sang nằm. Vì vậy thường phải ngủ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi.

Tùy theo mức độ giãn của thực quản mà tính chất và khối lượng chất nôn khác nhau, lúc đầu nôn với khối lượng ít, thức ăn chưa lên men, xét nghiệm chất nôn không có axit elohydre tự do, độ toan thấp, khi thực quản giãn to, số lần nôn ít đi, nhưng khối lượng nhiều hơn.

Thường trong một thời gian dài, tình trạng bệnh nhân vẫn còn tốt. Về sau khi thức ăn ứ đọng ở thực quản nhiều thì có suy dinh dưỡng.

Các thể lâm sàng thường gặp

Thể tiềm tàng hầu như không có triệu chứng, bệnh diễn biến âm thầm trong nhiều năm, khi phát hiện được thì thực quản đã giãn to. Thể với triệu chứng muộn của cơ quan khác như: Thể với triệu chứng dạ dày, bệnh nhân đau ở vùng thượng vị, có cảm giác đầy hơi chụp Xquang thấy thực quản giãn to, dạ dày bình thường. Thể với triệu chứng tim: bệnh nhân tức ngực khó thở, đánh trống ngực, đau nhói vùng trước tim.

Thể theo tiến triển bệnh nhân có những đợt tiến triển, với dấu hiệu khó nuốt và trào ngược. Ngoài đợt thì bệnh nhân sinh hoạt như bình thường.

Thể với hình thái viêm bệnh nhân đau rát trong thực quản, niêm mạc viêm và xung huyết. Ở thể liệt thực quản giãn rất to, hầu như không có nhu động, ít có hiện tượng trào ngược.

Thể phối hợp phối hợp với ung thư thực quản hoặc phối hợp với loét dạ dày - tá tràng.

Bệnh diễn biến thất thường. Các rối loạn cơ năng không song song với độ giãn của thực quản. Ở một số trường hợp bệnh diễn biến chậm, âm thầm, bệnh nhân sống hầu như bình thường. Ở số khác bệnh diễn biến từng đợt.

Có khi bệnh nhân tử vong đột ngột vì phản xạ tim mạch hay dây phế vị, hoặc vì ngạt thở do thức ăn trào vào khí quản, ở một số trường hợp chết do suy dinh dưỡng.

Biến chứng của co thắt tâm vị

Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến các biến chứng như: Viêm loét thực quản, sẹo xơ, gây chít hẹp thực quản. Chèn ép khí quản, tĩnh mạch, tim. Viêm phổi, áp-xe phổi do thức ăn trào ngược. Rò thực quản - khí quản.

Điều đáng lo ngại là xuất hiện sự gia tăng ung thư thực quản ở những bệnh nhân co thắt tâm vị. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học không đủ chỉ ra rằng co thắt tâm vị làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản của một người. Vì vậy, hiện nay không khuyến cáo rằng các bệnh nhân co thắt tâm vị phải nội soi tiêu hóa thường xuyên trên để kiểm tra ung thư.

Lời khuyên của thầy thuốcBệnh nhân cần ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, nuốt từ từ. Dùng thuốc điều trị triệu chứng như: atropin, nitrit amyl... để mở cơ tâm vị; thuốc trấn tĩnh, dịu thần kinh để điều hoà các rối loạn giao cảm, các thuốc chống viêm và giảm xuất tiết niêm mạc thực quản. Rửa thực quản hằng ngày sau khi ăn 2-4 giờ và trước khi ngủ để tránh hiện tượng đánh trống ngực và khó thở khi nằm. Nong và thông thực quản để tránh ứ đọng thức ăn ở thực quản. Phẫu thuật làm giãn đoạn thực quản hẹp; tạo lỗ thông thực quản giãn và dạ dày; nối thực quản dạ dày…

Phòng bệnh cần giảm ăn gluxit, ăn tăng protit và thức ăn chứa nhiều vitamin nhóm B như thịt, ngũ cốc, hoa quả chín. Không nên ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh. Điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn như: lao, giang mai, mụn nhọt, áp-xe… Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, bỏ uống rượu.

Theo BS. Hoàng Ngọc Hữu/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói