Phan Đình Phùng, sinh tại làng Đông Thái, xã Yên Hạ, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) một vùng quê có nhiều người thành đạt trên con đường khoa bảng.
Năm Đinh Sửu (1877), ông đậu Đình nguyên Tiến sĩ lúc 34 tuổi, được bổ làm tri huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình, sau đó được triệu về kinh làm Ngự sử ở Đô sát viện. Phan Đình Phùng không bỏ qua một việc xấu nào dù là nhỏ nhất ở trong triều, do vậy từ vua đến quan có người không ưa ông nhưng ai cũng phải kính nể.
Ngày 17-7-1883, vua Tự Đức chết đúng vào lúc giặc Pháp nổ súng đổ bộ chiếm cửa Thuận An. Tôn Thất Thuyết không tuân theo di chiếu của vua Tự Đức, tự tiện phế bỏ Dục Đức mới được đặt lên ngôi ba ngày. Do chưa nhận rõ tính chất đúng đắn và cấp thiết của việc làm đó, Ngự sử Phan Đình Phùng ngay buổi thiết triều có đủ các quan văn võ đã lớn tiếng phản đối Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết ra lệnh chém đầu Phan Đình Phùng nhưng ngay sau đó lại cho giam vào ngục, rồi cách chức đuổi về quê vì biết ông là người có cùng chí, chủ chiến chống Pháp.
Lúc này đất nước đang rơi vào hoạ ngoại xâm, triều đình Huế chia thành hai phe chủ chiến và chủ hoà, phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu và cuộc phản công vào kinh thành Huế ngày 4-5-1885 thất bại, vua Hàm Nghi xuất bôn. Khi vua Hàm Nghi ra đến Sơn phòng Hà Tĩnh ở Hương Khê, Phan Đình Phùng và một số văn thân đã đến yết kiến vua và Tôn Thất Thuyết tại căn cứ Vụ Quang - Hương Khê (nay thuộc huyện Vũ Quang). Ông được vua giao cho chức Thống đốc quân vụ đại thần, lãnh đạo phong trào chống Pháp trên 4 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đại bản doanh đặt tại căn cứ Vụ Quang.
Lúc này các đội nghĩa binh của Lê Ninh ở La Sơn, Cao Thắng ở Hương Sơn đều quy tụ dưới ngọn cờ Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo, nghĩa quân đánh nhiều trận nhưng cuối cùng lâm vào thế bất lợi. Đầu năm 1887, Phan Đình Phùng giao nhiệm vụ chỉ huy cho Cao Thắng rồi ra Bắc vận động sĩ phu và nhân dân cùng nổi dậy chống Pháp.
Năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt. Năm 1889, Phan Đình Phùng từ ngoài Bắc trở về, lúc này phong trào Cần Vương ở bốn tỉnh Bắc Trung Kỳ dấy lên đều khắp, khá mạnh mẽ và quy về một mối. Cao Thắng được phong làm Chưởng vệ, nghĩa quân chia làm 15 quân thứ đặt cơ quan Tổng chỉ huy tại đại đồn Vụ Quang.
Trong những năm 1890-1892, nghĩa quân đã lập được nhiều chiến công oanh liệt, nhưng đến đầu năm 1893, sau khi đánh dẹp xong các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Kỳ và Thanh Hoá, quân Pháp tập trung lực lượng khép vòng vây dồn nghĩa quân Hương Khê lên vùng rừng núi. Một mặt chúng cắt đứt các đường tiếp tế lương thực, mặt khác dùng kế ly gián dụ hàng, vòng vây của địch ngày càng khép chặt. Để phá thế bao vây, Cao Thắng đề nghị với Phan Đình Phùng một kế hoạch táo bạo là đánh thẳng vào tỉnh thành Nghệ An, đầu não chỉ huy của địch khai thông con đường ra Bắc.
Đang đà chiến thắng thì nghĩa quân gặp chuyện chẳng lành, trong một trận đánh ở Thanh Chương, vị tướng tài trẻ tuổi Cao Thắng hy sinh, Phan Đình Phùng như mất cánh tay phải cuả mình. Hai năm 1894-1895, nghĩa quân lại bị địch liên tiếp tấn công, nhân dân quanh vùng bị khủng bố dữ dội nên không thể liên lạc và tiếp tế, lực lượng kháng chiến hao mòn, trong khi đó chủ soái lâm bệnh sức yếu dần.
Trong tình thế hiểm nghèo, nghĩa quân Phan Đình Phùng đã lập được một chiến công vang dội nhất trong phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19, đó là trận Vũ Quang. Trận ấy ta tiêu diệt 3 tên chỉ huy và 100 tên địch, thu nhiều vũ khí.
Sau thất bại ấy, địch dốc toàn lực tấn công để trả thù, Phan Đình Phùng đã bị thương nặng và ông đã qua đời vào ngày 25 tháng 12 năm 1895 tại núi Quạt, thọ 49 tuổi. Mười ngày sau, doanh trại của nghĩa quân lọt vào tay giặc.
Đối tượng: +) Tạo:HocVan+) Duyệt:Duong+) Giữ:Duong Trạng thái: Phó Tổng biên tập Thời gian: +) Tạo:17/08/2009 09:37+) Sửa:19/08/2009 16:25+) Đăng: