“Phao cứu sinh” quản lý nguồn nước đô thị Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn ra cực đoan thì Dự án quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH (IWMC) do Vương quốc Bỉ tài trợ chính là “phao cứu sinh” cho Hà Tĩnh trong quản lý nguồn nước đô thị hiện nay.

Xây dựng chiến lược toàn diện

Tiểu công viên trên đường Lê Duẩn có hồ điều hòa do dự án IWMC đầu tư xây dựng đã giúp thành phố Hà Tĩnh tái thiết lá phổi xanh, điều hòa không khí

Những ngày cuối tháng 4, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh đang hoàn tất những phần việc cuối cùng để khép lại dự án IWMC. Được khởi động từ năm 2013 đến nay, dự án đã giúp chính quyền địa phương xây dựng một chiến lược toàn diện ứng phó với BĐKH dựa trên các nghiên cứu khác nhau.

Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành và bàn giao cho chính quyền địa phương các công trình: Nghiên cứu xây dựng mô hình thủy lực/thủy văn sông Rào Cái và mô hình thoát nước cho TP Hà Tĩnh; nghiên cứu mô hình BĐKH; nghiên cứu, phân tích tính dễ bị tổn thương của KT-XH và các tài sản cá nhân, công cộng, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; nghiên cứu chất lượng nước sông Rào Cái; nghiên cứu tác động của BĐKH đến tài nguyên nước ngầm ven biển và đề xuất giải pháp quản lý bền vững; đánh giá tổn thương hạ tầng thủy lợi vùng Cửa Sót; hỗ trợ các trạm quan trắc khí tượng và thủy văn.

Ngày hội "Trồng cây vì màu xanh rừng ngập mặn" giúp học sinh hiểu hơn về cách trồng và chăm sóc cây ngập mặn.

Để tăng cường năng lực cho địa phương trong quản lý nguồn nước và phát triển đô thị, trong vòng 6 năm qua, dự án đã tổ chức 8 khóa tập huấn TICA cho 243 lượt cán bộ sở, ngành trong tỉnh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ trong việc ứng phó với BĐKH.

Dự án cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh. Bên cạnh đó, hàng loạt các hoạt động truyền thông đã được tổ chức, nhằm từng bước nâng cao nhận thức của các bên liên quan, huy động sự chung tay của cộng đồng vào nhiệm vụ ứng phó với BĐKH.

Ưu tiên thí điểm các công trình thoát lũ

Hồ điều hòa Bến Đá (Thạch Đồng - TP Hà Tĩnh) được IWMC đầu tư xây dựng sẽ là điểm nhấn tạo cảnh quan và giải quyết vấn đề ngập úng phía Đông Bắc thành phố Hà Tĩnh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của dự án là ưu tiên thí điểm các công trình nhằm giúp Hà Tĩnh quản lý nguồn nước vùng đô thị. Theo đó, dự án đã giúp TP Hà Tĩnh mở rộng và tái thiết trồng rừng ngập mặn; xây dựng vườn ươm cây ngập mặn.

Không chỉ tái thiết “lá phổi xanh” điều hòa không khí cho toàn thành phố, IWMC còn ưu tiên xây dựng các công trình: Cống Đập Hầu Thạch Trung, kênh thoát nước phía Tây thành phố, hồ điều hòa Bến Đá Thạch Đồng, các tiểu công viên không gian xanh, kênh tiêu Thạch Quý, cống qua đường tại nút giao đường Phan Đình Phùng - Nguyễn Chí Thanh, cống qua đường tại nút giao đường Quang Trung - Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Hà Tĩnh); kênh tiêu Thuận Lộc, kênh tiêu Đức Thuận, kênh tiêu Trung Lương T1+T2, hồ điều hòa Bắc Hồng, hồ điều hòa Bình Lạng (TX Hồng Lĩnh).

Rừng ngập mặn được trồng mới dọc đê Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) tạo nên một vành đai chống BĐKH, giảm nhẹ tác động bất lợi của thiên tai, bảo vệ đê biển và cải tạo môi trường khu vực

Theo đánh giá của chính quyền các địa phương, những hoạt động mà dự án triển khai phù hợp với chính sách phát triển của tỉnh đến năm 2020 và hỗ trợ đáng kể cho các sở, ban, ngành trong việc cải thiện thể chế, chính sách nhằm giải quyết linh hoạt các vấn đề về quản lý nguồn nước, quy hoạch đô thị dưới tác động của BĐKH.

“Với kết quả của dự án, UBND tỉnh và một số đơn vị đã tiết kiệm được thời gian, kinh phí để đưa ra các quyết sách về chiến lược ứng phó với BĐKH; quản lý nguồn nước tổng hợp, phát triển đô thị tích hợp với các yếu tố về BĐKH bền vững và đạt kết quả cao”, ông Lê Anh Dũng - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh nhấn mạnh.

Dự án IWMC Hà Tĩnh nằm trong chương trình hợp tác Việt - Bỉ về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2019 là một trong 4 dự án thành phần (cùng với dự án thực hiện ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và 1 ban hỗ trợ kỹ thuật đặt tại Bộ KH&ĐT). Dự án được Vương quốc Bỉ tài trợ 7,8 triệu EURO và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trị giá 1 triệu EURO, được thực hiện trong vòng 6 năm (2013-2019), trong đó, tập trung vào TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh và các vùng phụ cận.

Chủ đề Biến đổi khí hậu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói