|
Mô phỏng hệ sao HR 8799. Ảnh: Universe Today. |
Các nhà thiên văn học từ Đài quan sát Keck ở Maunakea, Hawaii hôm 20/11 công bố phát hiện sự tồn tại của nước trong bầu khí quyển của một ngoại hành tinh cách Trái Đất 179 năm ánh sáng, Universe Today đưa tin. HR 8799c là một hành tinh khí khổng lồ lớn gấp 7 lần sao Mộc và mất khoảng 200 năm để hoàn thành một vòng quay quanh ngôi sao chủ.
HR 8799c nằm trong chòm sao Phi Mã (Pegasus) và là một trong bốn hành tinh quay quanh ngôi sao 30 triệu năm tuổi HR 8799 ở trung tâm. Hệ sao lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2008. Các hành tinh quay quanh lần lượt được đặt tên là HR 8799 b, c, d và e.
Thu thập thông tin chi tiết về các ngoại hành tinh luôn là thách thức đối với các nhà khoa học bởi chúng thường bị che mờ bởi ánh sáng của ngôi sao chủ, khiến hệ thống kính viễn vọng rất khó quan sát được trực tiếp.
Nhóm nghiên cứu đã kết hợp máy phân tích quang phổ độ phân giải cao với một kỹ thuật được gọi là "quang học thích ứng" để loại bỏ hiệu ứng làm mờ của bầu khí quyển Trái Đất. Sau đó, họ sử dụng một quang phổ kế cận hồng ngoại từ kính thiên văn Keck II để "phá vỡ" ánh sáng của ngôi sao chủ, giúp phân tích thành phần hóa học trên bầu khí quyển của HR 8799c.
"Công nghệ này chính xác là những gì chúng ta cần để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên các ngoại hành tinh giống Trái Đất trong tương lai", Dimitri Mawet, Giáo sư thiên văn học tại Viện Công nghệ California (Caltech) cho biết.
Sự hiện diện của nước và các hóa chất như oxy hay methane trong bầu khí quyển là dấu hiệu cơ bản nhất cho thấy khả năng tồn tại sự sống trên một hành tinh. Mặc dù phát hiện dấu hiệu của nước trên HR 8799c, nhóm nghiên cứu lại xác nhận sự vắng mặt của methane trên bầu khí quyển của hành tinh này.
"Bây giờ chúng ta có thể chắc chắn hơn về sự thiếu vắng khí methane trên bề mặt hành tinh. Điều này có thể do sự pha trộn và quá trình đối lưu trong bầu khí quyển gây ra", Ji Wang, trưởng nhóm nghiên cứu giải thích.