Phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật: Cuộc đua đầy mạo hiểm của Nga và Mỹ

“Kho vũ khí của Mỹ có thể có tới 20.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, trong khi Nga có không quá 2.000”, Thiếu tướng Vladimir Dvorkin cho biết.

Nga đang đẩy mạnh phát triển các trang thiết bị có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật - loại vũ khí không phải là chủ đề của bất cứ hiệp ước cấm vũ khí quốc tế nào hiện có, sau khi Mỹ thực hiện các động thái tương tự.

Phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật: Cuộc đua đầy mạo hiểm của Nga và Mỹ

Tàu ngầm Mỹ tuần tra với đầu đạn hạt nhân chiến thuật mới W76-2. Nguồn: Xinhua.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng trong các trận đánh trên tiền tuyến và ở khu vực cách đó hàng chục km. Chúng nhỏ hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân chiến lược, nhưng vẫn được coi là một trong những phương tiện chiến tranh nguy hiểm nhất từng được tạo ra.

Vũ khí không bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước nào

Giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga cho biết: “Cả Liên Xô và Mỹ đều thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Mỗi quốc gia đã nghiên cứu khả năng bổ sung hạt nhân có đương lượng nổ thấp cho súng trường, mìn chống bộ binh và chống tăng, đạn xe tăng và nhiều loại đạn pháo khác nhau”.

Theo ông Kozyuli, những vũ khí như vậy chưa bao giờ được sử dụng trong tình huống chiến đấu vì bụi phóng xạ phát tán, gây ô nhiễm khu vực xung quanh, sẽ chấm dứt cuộc tấn công bằng cách tiêu diệt cả quân ta lẫn quân đội đối phương.

“Sự khác biệt chính giữa các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược nằm ở chỗ, vũ khí hạt nhân chiến thuật không bị chi phối bởi bất cứ hiệp ước quốc tế nào. Ví dụ, đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân bị giới hạn ở mức 1.550 đơn vị và 700 thiết bị phóng ở cả Nga và Mỹ”, các chuyên gia cho biết. “Trong khi đó, không có bất cứ hiệp ước nào quy định số lượng đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn mà mỗi quốc gia được phép sở hữu”.

Các cường quốc trên thế giới vẫn chưa thể đạt được 1 thỏa thuận về vấn đề này, Điểm mấu chốt nằm ở việc quyết định mức độ đe dọa cao đến mức nào mới có thể triển khai vũ khí hạt nhân công suất thấp trong một cuộc xung đột.

“Kho vũ khí của Mỹ có thể có tới 20.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, trong khi Nga có không quá 2.000”, Thiếu tướng Vladimir Dvorkin, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung ương 4 thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Theo ông Vladimir Dvorkin, vào đầu những năm 1990, kho vũ khí của Nga bao gồm các đầu đạn và bom trang bị cho các tên lửa ‘Oka“, ‘Tochka” và ‘Luna. Bên cạnh đó, Nga cũng có hàng trăm đầu đạn cho tên lửa chống hạm và chống tàu ngầm, tên lửa phòng không, mìn hạt nhân và đạn pháo cỡ nòng lớn.

“Chúng tôi đã đơn phương ngừng sử dụng chúng khi cuộc chạy đua vũ trang kết thúc”, ông Vladimir Dvorkin nói, đồng thời lưu ý rằng “chúng ta có thể thấy các quốc gia một lần nữa phát triển kho vũ khí hạt nhân của họ trong tương lai gần”. Đây là kết quả trực tiếp của học thuyết quân sự mới của Mỹ.

“Học thuyết này cũng nói về vai trò của vũ khí hạt nhân công suất thấp, sử dụng trong các cuộc xung đột cục bộ. Người Mỹ cho rằng, vũ khí này được dùng như một biện pháp ngăn chặn, răn đe nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của các bên khác”.

Tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật

Theo ông Kozyulin, Mỹ đang hiện đại hóa tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk – loại tên lửa có thể được sử dụng để mang đầu đạn hạt nhân.

Mối đe dọa đốivới Nga nằm ở chỗ các đầu đạn hạt nhân này được đặt tại căn cứ mới của Mỹ ở thị trấn Redzikowo, miền bắc Ba Lan, nơi Mỹ thiết lập tổ hợp phòng thủ tên lửa.

“Sau khi tổ hợp tên lửa nay xuất hiện gần biên giới của chúng tôi, Nga đã bắt đầu sử dụng trở lại với tổ hợp pháo tự hành 2S4 Tyulpal cỡ nòng lớn, sử dụng đạn cỡ 240mm và tổ hợp pháo tự hành 2S7 Pion sử dụng đạn cỡ 203mm. Trước khi Liên Xô tan rã, chúng đã được lắp đặt tại phía tây đất nước, nhằm đẩy lùi một cuộc tấn công của NATO bằng cách kết hợp các vũ khí này với mìn hạt nhân”, ông Kozyulin nói.

Chuyên gia này cho biết thêm, Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét các lựa chọn trong trường hợp mối đe dọa gia tăng từ các cuộc tấn công, bằng cách sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật Iskander-M.

“Quân đội Nga cũng có thể cải tiến tên lửa hành trình trên biển Kalibr và tên lửa phòng không Kinzhal để sử dụng các đầu đạn hạt nhân tương tự. Chúng tôi đang quan sát tình hình để thực hiện động thái tiếp theo. Chúng tôi đủ khả năng làm điều đó”, ông Kozyulin nói.

Trong khi đó, CNN dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga còn đáng lo ngại hơn nhiều so với những vũ khí hạt nhân mới mà Moscow công bố thời gian gần đây, trong đó có ngư lôi hạt nhân và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân.

“Điều khiến chúng tôi lo ngại khi tiến hành đánh giá tình hình hạt nhân không phải là những vũ khí mới này mà là kho vũ khí hạt nhân phi chiến lược khổng lồ của Nga. Đó là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Vũ khí hạt nhân mới không cung cấp cho Moscow khả năng mà kho vũ khí hiện có mang lại”, một quan chức Mỹ cho biết.

“Nga có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật với nhiều thể loại khác nhau. Chúng được phóng từ trên không, trên biển. Hầu hết những hệ thống vũ khí này đều có khả năng kép. Chúng vừa là vũ khí hạt nhân những cũng là những vũ khí không thường. Nga có các ngư lôi phóng từ tàu ngầm và tàu mặt nước, có tên lửa đất đối không và họ đều có các đầu đạn hạt nhân cho chúng”, một quan chức quốc phòng khác nói với CNN.

Kịch bản quân đội Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một cuộc xung đột tại châu Âu sẽ buộc Mỹ phải lựa chọn hoặc đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến lược có sức hủy diệt lớn hơn hoặc đáp trả bằng các hành động quân sự phi hạt nhân.

Quân đội Mỹ mới đây đã phát triển đầu đạn hạt nhân công suất thấp W76-2, sử dụng cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. W76-2 là một đầu đạn nhiệt hạch được cải biến từ đầu đạn W-76, có đương lượng nổ thấp chỉ hơn 5 kiloton (5.000 tấn TNT), được sử dụng để trang bị cho tên lửa Trident II. Trước đó, Mỹ đã sở hữu bom hạt nhân chiến thuật B61 nhưng vũ khí này được cho là yếu hơn so với vũ khí phóng từ tàu ngầm.

Theo VOV

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.