Phía sau những nỗi đau da cam...

(Baohatinh.vn) - Nhiều lần, trong những chuyến công tác của mình ở Hà Tĩnh, tôi đã bị ám ảnh bởi những nỗi đau mà các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin phải gánh chịu. Nhưng tôi cũng đã có thật nhiều cảm xúc đẹp đẽ khi được gặp những con người lặng thầm phía sau những nỗi đau chiến tranh ấy…

Nằm lặng im trong khu phố ồn ào ở phường Sông Trí (TX Kỳ Anh) là căn nhà nhỏ nơi ngõ cụt, ngoằn ngoèo như chính cảnh đời, sự éo le của người vợ, người mẹ Nguyễn Thị Ty (SN 1948). Hàng chục năm qua, một mình người phụ nữ ấy phải gồng gánh trên đôi vai nỗi buồn đau về những di chứng chiến tranh trên cơ thể người chồng và hai người con trai.

Chồng bà - ông Phạm Hữu Hà (SN 1946) - chàng kỹ sư của Đại học Bách khoa Hà Nội ngày trước, từng là niềm mơ ước của bao cô gái. Ông là niềm tự hào suốt thời thanh xuân của bà khi là người đầu tiên được tặng thưởng Huy chương Lê-nin cao quý với những công trình đường ống dẫn dầu phục vụ chiến trường miền Nam. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi những đứa con lần lượt ra đời đều bị khuyết tật.

Những năm 1971-1973, ông Hà công tác tại Sân bay Đà Nẵng. Tại đây, mầm họa da cam len lỏi vào cơ thể mà ông không hề hay biết. Bà Ty chia sẻ: “Khi đứa con đầu bị khuyết tật, tôi vẫn chưa hề nghĩ đến nguyên nhân do chồng bị nhiễm CĐDC nhưng đến khi đứa thứ 2 cũng bị thì tôi và chồng mới giật mình nghĩ đến chuyện đó. Tôi bèn bàn với ông đi khám bệnh thì mới hay, dioxin đã thâm nhập vào cơ thể ông và ảnh hưởng đến 2 đứa con. Chúng tôi rất đau đớn nhưng rồi nghĩ, trong hoàn cảnh đó, tôi phải là chỗ dựa cho chồng, cùng ông chăm sóc các con. Để có nhiều thời gian chăm sóc chồng con, tôi phải xin nghỉ hưu sớm”.

Từ bấy đến nay đã hơn 32 năm, cũng chừng ấy thời gian bà Nguyễn Thị Ty tần tảo làm lụng một mình chăm chồng, chăm con. Không thể nói hết được nỗi vất vả và những nỗi buồn đau của bà khi hàng ngày nhìn những đứa con mình sinh ra, lớn lên trong thiệt thòi và sức khỏe của chồng càng ngày càng giảm sút. Cũng may, đứa con gái út của ông bà không bị nhiễm dioxin. Đó là điểm tựa, là niềm hy vọng để bà vượt lên những khó khăn trong cuộc sống.

Bà Ty cho biết: “Được cái gì đáng giá trong nhà, tôi đem bán hết để chạy chữa cho chồng, cho con nhưng chẳng thể cứu vãn được. Ông nhà tôi thì lúc tỉnh, lúc mê, nhiều lần lên cơn có thể đánh cả vợ con. Còn hai đứa con trai, đứa lớn năm nay 47 tuổi chẳng khác nào trẻ lên 3, đứa thứ hai không chữa chạy được nên đã qua đời vào năm 2003”.

Nỗi bất hạnh của cuộc đời bà chưa dừng lại ở đó khi năm 2018, bà lại mắc căn bệnh ung thư vú. Nhưng chính nỗi đau của số phận lại khiến bà kiên cường, mạnh mẽ hơn. Dù phải cắt bỏ một bên ngực trái, xạ trị và uống thuốc liên tục nhưng mỗi ngày bà vẫn lặng lẽ chắt chiu yêu thương chăm sóc chồng con. “Giờ đây ở tuổi 71, sức tôi cũng đã kiệt, chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi và trợ cấp hàng tháng của nạn nhân CĐDC để thuốc thang cho cả nhà” - bà Ty chia sẻ.

Cùng chung “nỗi đau da cam” với những người như bà Ty là bà Phan Thị Châu (SN 1942) tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên. Năm 1968, bà tham gia thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, sau đó chuyển vào Quảng Trị tiếp tục công tác thu gom bom đạn sót lại sau mỗi cuộc càn quét của địch. Cũng tại đây, năm 1971, bà đã gặp và nên duyên vợ chồng với người lính của Đoàn vận tải 559 Trần Xuân Biển (SN 1931). Hạnh phúc tưởng đã nở hoa khi năm 1978, bà hạ sinh một bé trai nhưng đứa bé có lớn mà không có khôn. Ôm con chạy chữa khắp nơi không được, cuối cùng đưa con đi khám y khoa mới biết cháu bị nhiễm CĐDC.

Nén đau thương, bà bàn với chồng không sinh thêm con mà nhận một đứa con nuôi. Hai vợ chồng nương tựa vào nhau để chăm sóc con cái. Tuy nhiên, năm 1982, chỉ sau khi nghỉ hưu được vài tháng, chồng bà phát bệnh và qua đời. “Mất chồng, cuộc sống của tôi trở nên rất chông chênh. Những năm sống ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) ấy là những năm tháng mà tôi phải gồng mình lên chống chọi nhiều nhất. Nhưng nghĩ đến các con, nhất là đứa con trai tật nguyền đang cần mình chăm sóc, tôi lại tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa”.

Năm 1985, bà Châu đưa hai con về quê nhà Hà Tĩnh sinh sống. Cũng may, đứa con nuôi của ông bà rất ngoan ngoãn và hiếu thuận. Giờ đây, anh là bộ đội chuyên nghiệp của lực lượng Hải quân vùng 4, đã lập gia đình và có hai con. Đó là nguồn động viên, an ủi để bà Châu mạnh mẽ đi tiếp những năm tháng tuổi già bên người con tật nguyền.

Khác với nỗi đau của những người vợ, người con, với những người lính mang trong mình chất độc, nỗi đau còn trở nên nhói sâu gấp bội. Tuy nhiên, vượt lên những nỗi bất hạnh của cuộc đời, họ vẫn biết tìm cho mình niềm lạc quan, niềm vui sống để quên đi “vết thương” mà chiến tranh đã “gieo” lên cuộc đời họ.

16 năm chiến đấu vùi mình trong lửa đạn chiến tranh, năm 1976, ông Phạm Đình Toản (SN 1937, xã Kỳ Hưng, TX Kỳ Anh) xin phục viên không hưởng chế độ. Tại quê nhà, ông và vợ lựa chọn việc đồng áng làm kế sinh nhai. Tưởng như cuộc sống của người lính phục viên sẽ trôi qua trong bình yên nhưng trong 6 đứa con của vợ chồng ông thì 3 đứa mắc di chứng chiến tranh. Về sau ông mới biết, đó là hậu quả của CĐDC mà ông bị nhiễm trong những năm quân ngũ.

“Những năm tháng ấy, mỗi khi nhìn vợ khóc, nhìn những đứa con không lành lặn, lòng tôi đau như cắt. Nhưng rồi tôi nghĩ, không thể cứ ngồi nhìn mãi vào vết đau của quá khứ mà phải mạnh mẽ thì vợ tôi mới mạnh mẽ được. Nén nỗi đau vào lòng, tôi động viên vợ cùng cố gắng vươn lên, tiếp tục làm lụng nuôi dạy, chăm sóc con cái”.

Không những thế, từ năm 1977-1993, ông Toản còn tham gia việc xã, được bầu vào một số vị trí chủ chốt suốt một thời gian dài. Từ 1994 đến nay, ông giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông là người tiên phong trong chỉnh trang vườn hộ, vườn mẫu. Đến nay, gia đình ông có 1 vườn mẫu 1.000 m2 cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2017, vườn mẫu của ông còn vinh dự giành giải B cuộc thi Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu toàn tỉnh. Đó cũng chính là động lực giúp ông cùng gia đình tiếp tục nỗ lực hơn nữa bù lấp nỗi đau chiến tranh để lại.

Thiết kế: Huy Tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói