Phim Việt doanh thu 1.000 tỷ đồng, liệu có quá viển vông?

Những con số vài trăm tỷ đồng của một tác phẩm điện ảnh Việt trong vài năm gần đây mở ra giấc mơ của các nhà làm phim, đó là cán mốc 1.000 tỷ đồng.

Thành công của Trấn Thành, Lý Hải với những bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ là điều hiếm hoi bởi đa số các phim Việt ra rạp lâm cảnh lỗ nặng. Sau phim doanh thu 550 tỷ ‘Mai’ của Trấn Thành, điện ảnh Việt lại ế ẩm cho tới khi 'Lật mặt 7' của Lý Hải xuất hiện. VietNamNet thực hiện loạt bài phân tích về sự thất bại của hàng loạt phim Việt, lý do thua lỗ cũng như hướng đi cho các bộ phim này khi nhận kết cục bi thảm ngoài rạp chiếu.

Tiềm năng lớn để phim Việt bùng nổ

Theo báo cáo thống kê từ nhà phát hành BHD, lượt khách đến rạp hàng năm hiện nay tại Việt Nam là hơn 40 triệu lượt, đạt hơn 90% so với những năm trước đại dịch Covid-19.

Thị trường điện ảnh Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân đạt 21% giai đoạn trước Covid-19. Năm 2023, Việt Nam có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Indonesia. Trong đó, dân số Indonesia là hơn 277 triệu dân so với hơn 100 triệu dân số Việt Nam (cao gấp đôi).

Các tác phẩm thắng về doanh thu như: Bố già (hơn 400 tỷ đồng), Nhà bà Nữ (475 tỷ đồng), series Lật mặt (hơn 700 tỷ đồng)... và gần nhất là Mai với hơn 550 tỷ đồng. Điều đó cho thấy nhu cầu ra rạp của khán giả Việt tăng cao trong vài năm qua.

Với phim Mai, tổng số lượt vé bán ra được ghi nhận là hơn 6,5 triệu vé – con số cao kỷ lục với điện ảnh Việt. Tuy nhiên nếu nhìn vào con số hơn 100 triệu dân, đây không phải là một tỷ lệ cao.

Thành công của phim trăm tỷ không phản ánh rõ nét tuyệt đối thị trường. Song, từ tín hiệu ấy có thể phần nào khiến mọi người có cái nhìn lạc quan hơn về điện ảnh với vô vàn cơ hội để phát triển.

Trong đó, một “thế hệ mới” nhà làm phim – bao gồm đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên… được hình thành, tạo dựng được giá trị tích cực về cả mảng doanh thu lẫn yếu tố nghệ thuật. Trên hết, họ đủ tiềm năng để chinh phục khán giả trong nước, vừa có thể mang tác phẩm ra nước ngoài công chiếu.

12-sv-1413.jpg
Khán giả Việt vẫn cuồng nhiệt với các tác phẩm nội địa.

5 năm trở lại đây, một số cái tên mới lần lượt xuất hiện như: Trấn Thành, Lý Hải, Võ Thanh Hòa... (mảng thương mại), hay Trần Thanh Huy, Hà Lệ Diễm, Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân... (dòng phim độc lập) đã mang về dấu ấn cho điện ảnh nước nhà qua các giải thưởng danh giá ở LHP Cannes, Berlin… cho thấy phần nào điểm sáng đầy hứa hẹn của những gương mặt mới.

Nói như chuyên gia, điện ảnh Việt đang ở thời điểm “vàng” để bùng nổ, lập kỷ lục doanh thu và vươn ra thế giới. Thế nhưng phim Việt liệu có vươn cao bay xa được không, hay chỉ mãi quẩn quanh ở “ao nhà” là điều rất cần lời hồi đáp thỏa đáng từ chính người trong cuộc.

Giấc mơ phim Việt cán mốc nghìn tỷ không xa

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Khánh Dương, nhà sáng lập Box Office Vietnam nêu quan niệm điện ảnh Việt đang bước vào giai đoạn nhiều tiềm năng. Dẫu vẫn còn đâu đó kha khá tác phẩm thất bại, với ông Dương, đây là điều bình thường, tạo nên mảng màu đa dạng cho bức tranh thị trường.

Cần bao lâu để điện ảnh Việt có tác phẩm với tới cột mốc 1000 tỷ đồng?, ông Dương lạc quan nhận định với bước đà hiện nay, triển vọng phòng vé 1000 tỷ là chuyện sớm muộn. Tuy nhiên cũng có người lại đặt câu hỏi rằng liệu đó có phải là giấc mơ viển vông?

Ông Khánh Dương phân tích thêm: "Theo tôi Trấn Thành lúc này vẫn là ứng cử viên số 1. Nếu bạn vẫn tiếp tục làm mới mình, có tác phẩm tốt và hướng tới khán giả thì việc xác lập thêm nhiều cột mốc mới là điều hiển nhiên”.

Việc tạo dựng thương hiệu trong điện ảnh rất được chú trọng. Theo ông Dương quan sát, 3 gương mặt đang làm tốt điều này là: Trấn Thành, Lý Hải và Võ Thanh Hòa. Sự thành công của họ đến từ góc nhìn, tư duy hiểu được tâm lý người tiêu dùng - cũng chính là đại chúng.

“Khán giả ngày nay rất tinh ý. Họ chấp nhận bỏ thời gian, tiền bạc mua vé ra rạp nên luôn mong được trải nghiệm một tác phẩm chất lượng hoặc ít nhất là 'chạm' được. Một khi thuyết phục được người xem, tác phẩm chắc chắn gây tiếng vang”, anh bày tỏ.

Tất nhiên để hiện thực hóa giấc mơ vẫn cần vài điều kiện. Trong đó, yếu tố cốt lõi vẫn là Việt Nam cần nhiều rạp phim hơn và lượng khán giả cần tăng lên. Khi hội tụ 2 yếu tố này, con đường đưa phim Việt đến con số mơ ước trên là hoàn toàn khả thi.

Cửa ngõ nào cho điện ảnh Việt?

Trong các buổi hội thảo, tọa đàm, nhiều vấn đề trọng tâm xoay quanh nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hội nhập được bàn luận. Những câu chuyện về xây dựng năng lực sản xuất để làm ra bộ phim có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, tầm quan trọng của bản quyền, xây dựng đội ngũ làm phim giỏi nghề, kiện toàn mối quan hệ chặt chẽ giữa một hệ thống làm phim và đơn vị phát hành... Đây chính là yếu tố cốt lõi góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển, an toàn và bền vững.

Đạo diễn Lý Hải nhấn mạnh yếu tố “Hãy hành động, đừng hô hào”. Anh dẫn chứng một số nước có nền văn hóa gần với Việt Nam như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… Các quốc gia này đều bỏ xa điện ảnh nước ta ít nhất từ 10 đến vài chục năm. Để làm được điều đó, họ đã có quãng thời gian chuẩn bị đủ lâu, kiện toàn từ nhân lực đến vật lực và cả yếu tố xung quanh.

Theo Lý Hải, 3 yếu tố quan trọng lúc này là kịch bản, phim trường và phát hành phim. Trong đó, khâu phát hành phim là nan giải bởi muốn phim Việt vươn ra thế giới cần có đối tác nước ngoài hỗ trợ.

“TừLật mặt 4, chúng tôi phải tự sang nước ngoài tìm kiếm đối tác. Nếu có cơ quan quản lý hỗ trợ, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta tạo nên một hệ sinh thái để phim Việt sau khi kết thúc trong nước có thể ra quốc tế một cách bài bản và chuyên nghiệp. Như thế mới mong điện ảnh Việt vươn cao bay xa được”, anh cho hay.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận định điện ảnh Việt đang dần vượt qua ngưỡng tiêu chuẩn về chỉ số, con người, xã hội… Người ta bắt đầu chú trọng nhiều hơn với điện ảnh, suy nghĩ nghiêm túc về một ngành công nghiệp văn hóa.

Nam đạo diễn quan điểm mọi thứ cần phải phát triển, đổi mới, dẫu vậy rất cần sự đồng bộ. Anh nhấn mạnh yếu tố phim hay hay dở không phụ thuộc cơ sở vật chất hay chính sách mà chính là con người.

“Mỗi thế hệ đều có khó khăn và vấn đề riêng, sẽ khập khiễng nếu so sánh. Tôi nghĩ điều đơn giản nhất: từng cá nhân làm tốt hơn một chút mỗi ngày, xin đừng đòi hỏi sự tuyệt đối, hoàn hảo. Cứ nhìn nhận tích cực để mọi thứ phát triển theo đúng quỹ đạo của nó”, đạo diễn Tro tàn rực rỡ phát biểu.

Từ năm 2024, Việt Nam có 3 liên hoan phim quy mô quốc tế, gồm: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng (DANAFF) và Liên hoan phim quốc tế TP Hồ Chí Minh (HIFF).

Đây không chỉ là các sự kiện được nhiều nhà làm phim, diễn viên mong chờ mà còn giúp công nghiệp điện ảnh trong nước tiệm cận hơn với cách làm phim của nền văn hóa khác.

Hoạt động này chỉ thực sự có giá trị nếu chúng ta làm tốt. LHP phải tạo ra bản sắc, sức hút riêng, là nơi phát hiện, vun đắp tài năng chứ không chỉ là nơi để gặp nhau hay phô diễn nét hào nhoáng bên ngoài.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhận định sẽ không thể thu được quả ngọt nếu mọi thứ chỉ đến từ sự tâm huyết của nhà làm phim đi trước và những nỗ lực cá nhân của nhà làm phim trẻ.

"Đừng để điện ảnh Việt Nam chỉ mãi là một điểm sáng mang tính triển vọng! Đây có lẽ là thời điểm quan trọng nhất để những chính sách đầu tư vào các nhà làm phim trẻ được thực thi", anh trăn trở.

Các phim Việt bị khán giả trong nước từ chối ngoài rạp thì vô cùng ít cơ hội lật lại tình thế nhưng vẫn có lối ra cho thảm họa doanh thu trong nước dù các khe cửa đều hẹp.

vietnamnet.vn

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...