Lại nói về... rượu

Khi vui người ta nghĩ đến rượu, buồn cũng nghĩ đến rượu, hội ngộ hay chia ly cũng vậy. Những giá trị tốt đẹp về mặt tinh thần từ rượu mang lại rất đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là tình trạng lạm dụng rượu đang có xu hướng gia tăng; trở thành những con “vi-rút” độc hại xâm nhập các tổ ấm gia đình.

Còn nhớ, có lần tôi về Kỳ Hoa (Kỳ Anh) tìm hiểu về vụ việc 2 anh em ruột giết nhau chỉ một mâu thuẫn nhỏ nhưng vì “rượu vào lời ra”. Chứng kiến cảnh tang thương ấy, tất cả những người có mặt đều hết sức chua xót. Vụ việc khuấy động cả làng quê. Tới đâu tôi cũng gặp từng nhóm người bàn tán về câu chuyện gia đình này. Người trẻ nói theo cách của người trẻ; phụ nữ lại bàn theo cái nhìn của họ. Duy chỉ người già bày tỏ nỗi lo lắng: “Làng quê giờ không yên bình nữa đâu cháu. Chuyện uống rượu buồn lắm. Một, hai giờ sáng rồi mà vẫn còn nghe thấy “zô, zô, 100%” ở các quán. Bọn trẻ bây giờ tụ tập rượu chè nhiều lắm”.

Hình minh họa từ internet
Hình minh họa từ internet

Làng quê vốn thanh bình nhưng những câu chuyện về rượu, về người nghiện rượu cứ xuất hiện như những chiếc ung nhọt trên một cơ thể khỏe mạnh. Câu chuyện có thực từ chị T. giúp việc cho một gia đình gần nhà tôi. Chị tâm sự: “Tôi cực lắm! Chồng suốt ngày rượu chè, lúc nào cũng say sưa. Vì thế, cứ thấy mặt tôi là ông ấy lại chửi bới, đánh đập. Tôi không thể ở được trong nhà nên đành phải đi giúp việc. Đôi lúc, nhớ con, nhớ cháu quá, tôi về nhưng chỉ được vài hôm là ông ấy lại đuổi…”.

Chị T. trên 50 tuổi, đã có cháu nội, cháu ngoại, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Chồng chị cũng vậy, ban đầu vì lao động nặng nhọc, uống vài chén rượu cho khỏe nhưng lâu dần thành quen. Giờ thì đã nghiện và bị loạn thần, do vậy, không còn làm chủ được hành vi của mình. Chị T. chán nản: “Giờ không biết làm sao, bỏ thì không được, gần hết cuộc đời rồi, lại còn có con, có cháu. Khuyên nhủ sao cũng không nghe. Với lại, giận nhưng cũng thấy thương, vì suy cho cùng tại rượu, chứ bản chất ông ấy không thế. Tôi cứ đi làm thế này đến được lúc nào thì hay lúc đó… Mà ở quê tôi, người nghiện rượu cũng đáng kể. Có người thì vợ con bỏ vào nam làm ăn, ở nhà một mình rượu chè, bệnh tật nên chết rồi...”.

Không chỉ ở nông thôn, những câu chuyện hạnh phúc gia đình liên quan đến rượu ở thị thành cũng không kém. Chỉ khác là, ở thành phố, dân trí cao hơn, đời sống kinh tế khá giả hơn nên các hình thức biểu hiện khác hơn. Đàn ông ở thành phố uống bia, rượu chủ yếu sau khi chơi thể thao, sau buổi làm việc. Họ ngồi lại với nhau ở các quán để “chén tạc, chén thù”. Họ ham vui trong khi người vợ ở nhà lại ngóng đợi chồng về cùng ăn cơm, từ đó, dẫn tới xung đột. Không ít cặp vợ chồng trẻ cũng chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ này mà dẫn đến rạn nứt tình cảm, thậm chí ly hôn.

Như vậy, vô hình trung, rượu đã trở thành “thủ phạm” gây rạn nứt, tan vỡ biết bao mái ấm gia đình, đấy là chưa kể đến những hệ lụy về sức khỏe, bệnh tật, tai nạn… Thực trạng này đã và đang gióng lên hồi chuông báo động đòi hỏi các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể và chính quyền địa phương vào cuộc một cách tích cực; cần quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhắc nhở người dân hạn chế lạm dụng rượu, bia.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast