Cô giáo gần 20 năm "thắp lửa" tình yêu môn Địa lý trong học sinh

(Baohatinh.vn) - Cô giáo Nguyễn Thị Loan được biết đến là người đã khơi dậy niềm đam mê môn Địa lý cho bao thế hệ học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà - Hà Tĩnh).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sinh ra và lớn lên tại xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) - vùng đất giàu trầm tích văn hóa, hiếu học, từ nhỏ, cô gái Nguyễn Thị Loan (SN 1984) đã nuôi dưỡng mơ ước trở thành một cô giáo và luôn nỗ lực, vượt khó học tập để chạm đến ước mơ của mình. Năm 2002, cô Loan thi đậu vào khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội.

Năm 2006, sau khi ra trường, bằng niềm mến yêu và mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho quê hương, cô đã lựa chọn trở về, gắn bó với Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà) - ngôi trường cấp 3 từng chắp cánh ước mơ cho cô.

IMG_9848.jpg
Chân dung cô giáo Nguyễn Thị Loan (Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà).

Từ đó đến nay, cô Loan luôn trau dồi kỹ năng, kiên tâm, bền bỉ để trở thành người "truyền lửa", khơi dậy được niềm yêu mến môn Địa lý cho các em học sinh.

Cô Loan chia sẻ: “Về với trường trong thời điểm còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vì yêu nghề nên tôi chưa bao giờ thấy vất vả. Bản thân thấy được rằng, mình luôn hứng khởi, cố gắng dồn hết tâm huyết trong mỗi bài giảng thì các em mới có hứng thú với môn học. Trên cương vị 1 giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn tạo tâm thế gần gũi, quan tâm, chia sẻ với học sinh, nhất là những hoàn cảnh khó khăn để các em tự tin hơn, quyết tâm vượt khó, học tập. Có lẽ vì các em yêu mến cô nên cũng thích học môn Địa lý, hứng thú khi đến giờ học”.

Không chỉ chia sẻ, đồng hành cùng các em học sinh, bằng nền tảng kỹ năng chuyên ngành tốt, cô Loan luôn đổi mới, vận dụng các hình thức tổ chức lớp học kết hợp với phương pháp dạy học linh hoạt để “thổi hồn” vào các bài giảng. Cô tạo điều kiện để các em tự tổ chức làm video, dựng bài bằng phần mềm canva, diễn thuyết theo chủ đề, đề cao khả năng tư duy sáng tạo để học sinh có thể hiểu biết sâu hơn những kiến thức được học.

IMG_9889.jpg
Cô Loan luôn đổi mới, vận dụng các hình thức tổ chức lớp học kết hợp với phương pháp dạy học linh hoạt để “thổi hồn” vào các bài giảng môn Địa lý.

Đến nay, cô Loan đã có 9 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm xuất sắc được Sở GD&ĐT công nhận và 1 đề tài được UBND tỉnh công nhận. Với cô, mỗi một “đứa con” tinh thần đều là kết quả của quá trình dài nghiên cứu, đúc rút trong thực tiễn giảng dạy. Cô Loan tâm sự: “Các đề tài, sáng kiến tôi đều cố gắng đi sâu vào phương pháp để dễ tấp cận, dễ ứng dụng. Thật vui là những phương pháp đó đều được nhiều đồng nghiệp đón nhận nhiệt tình, áp dụng vào việc dạy học thực tế, tạo ra niềm hứng thú, say mê của học sinh đối với môn học vốn được xem là khô khan, khó tiếp thu”.

Chính những thành tích và cống hiến của cô, nhiều năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã tin tưởng phân công cô đảm nhiệm chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý của trường. Và cũng từ việc “tiếp sức” bằng nền tảng kiến thức bài bản, nhiều học sinh gắn bó với môn Địa lý đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh.

Đặc biệt, năm học 2020-2021, dưới sự dìu dắt của cô Loan, em Lê Thị Vân - lớp 12A4 đạt giải nhì HSG quốc gia môn Địa lý. Nhiều năm liên tục, đội tuyển Địa lý tham gia HSG tỉnh do cô Loan chủ nhiệm luôn đứng tốp đầu toàn tỉnh.

z5375390469172_9cecb6b4e70e1dcb2462b0261e7ce278.jpg
Các em học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi thăm khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy của cô Loan cũng đã tạo được chuyển biến tích cực trong học tập của học sinh, trang bị hành trang tốt nhất cho các em bước vào các kỳ thi. Từ chỗ là môn học “yếu”, ít được học sinh quan tâm, điểm trung bình bộ môn Địa lý của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi đã vượt qua nhiều trường, xếp thứ nhất toàn tỉnh năm 2022-2023 trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Em Nguyễn Thị Hồng Nhung - học sinh lớp 11A6 cho biết: “Chúng em được khám phá, tham gia trò chơi, dựng hình ảnh, video, biểu đồ, thảo luận nhóm, tự thuyết trình theo chủ đề,... nên các kiến thức khô khan của bộ môn Địa lý trở nên rất sinh động. Với sự chỉ bảo tận tình, tâm huyết của cô, em ngày càng cảm thấy yêu thích môn Địa lý, lựa chọn tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh để được chinh phục môn học vốn được cho là "khó nhằn" này”.

Không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, cô Loan còn đảm nhận nhiều vị trí như Phó Chủ tịch Công đoàn trường, Thư ký hội đồng, Phó Bí thư Chi bộ Xã hội 2, tích cực tham gia các phong trào thi đua do ngành phát động.

 17116950375527 (1).jpg
Cô Nguyễn Thị Loan (hàng đầu tiên, thứ 4 bên trái sang - PV) được vinh danh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thầy Trần Đình Hường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Loan là giáo viên rất tâm huyết với nghề và là một trong những người tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy ở Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. Những nỗ lực của cô đã góp phần bồi đắp tình yêu môn Địa lý cho các em học sinh, nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường. Đó cũng là động lực để các giáo viên khác hăng say hơn với công việc và cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục".

Ghi nhận tấm gương người giáo viên tận tụy, nhiều năm liền cô Loan được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen trong phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy học...

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast