Gần lắm Trường Sa…

Tình cờ, chúng tôi gặp nhau trên đảo Trường Sa Lớn những ngày giáp Tết Nhâm Thìn. “Thủ đô” của quần đảo Trường Sa sau mấy giờ cơn bão số 7 đi qua còn sóng to, gió giật. Các anh là bộ đội, tôi là nhà báo, “dân Hà Tĩnh” gặp nhau nơi cách quê nhà gần 250 hải lý và hơn 930 km đường bộ tay bắt mặt mừng, ai cũng thấy lòng xao xuyến khôn nguôi...

Những chiến sỹ vùng đất học

Ở Trường Sa Lớn hiện có 11 cán bộ, chiến sỹ quê Hà Tĩnh. Lê Đăng Hùng (SN 1978), học trường Trung cấp kỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh, có 15 năm binh nghiệp, làm nhiệm vụ tài chính của đơn vị. Anh đã ở đảo 72 tháng, trên 2 đảo chìm và 2 đảo nổi: Tóc Tang, An Bang, Thuyền Chài và Trường Sa Lớn. Nhà Hùng có 2 anh em, chồng của cô em gái cũng là bộ đội đóng quân ở Huế. “Hôm qua, ở ngoài quê, Tỉnh đoàn và Thành đoàn Hà Nội đến nhà em thăm hỏi và trao quà tết, em được xem tin ảnh qua mạng. Vợ em gọi điện vào, cảm động quá!” - Hùng nói. Vợ Hùng là Nguyễn Thị Linh Giang, hiện là cán bộ Tòa án tỉnh Hà Tĩnh. Họ đã có một cháu trai, Lê Trúc Bảo Lâm 2 tuổi rưỡi.

Bên cột mốc Tổ quốc (thứ tự từ trái qua phải: Thượng tá, Trưởng đảo kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Lớn Nguyễn Văn Thanh, Đinh Văn Hải, tác giả, Lê Đức Hùng, Nguyễn Văn Bắc)
Bên cột mốc Tổ quốc (thứ tự từ trái qua phải: Thượng tá, Trưởng đảo kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Lớn Nguyễn Văn Thanh, Đinh Văn Hải, tác giả, Lê Đức Hùng, Nguyễn Văn Bắc)

Còn Nguyễn Văn Thanh (SN 1974), cũng học trường kỹ thuật. Với 19 năm quân ngũ, hơn 100 tháng là lính đảo, anh đã làm nhiệm vụ trên 4 đảo nổi, 5 đảo chìm: Tiên Nữ, Đá Tây, Nam Yết, Thuyền Chài, Sinh Tồn Lớn, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn... Thanh là con trai đầu của gia đình 3 anh em, trong đó một em đang là bộ đội ở Hà Tĩnh. Vợ Thanh, chị Chúc Thị Thu là cán bộ y tế xã Thạch Đài (Thạch Hà). Vợ chồng Thanh có 2 con, đứa lớn học lớp 3 và đứa thứ 2 năm nay 4 tuổi.

Thiếu úy Bùi Sỹ Bắc, sinh 1986, quê xã Đức Đồng (Đức Thọ). Nhập ngũ năm 2006, ra đảo Sơn Ca năm 2009 một năm, lần này ra Trường Sa Lớn cùng chuyến tàu Trường Sa 22 với tôi. Anh học trung cấp thông tin, ra Trường Sa Lớn được phân công đúng chuyên môn. Bạn gái của Bắc là Trần Thị Nguyệt - giáo viên THPT ở Đức Thọ. Yêu nhau hơn 1 năm, từ hồi ở đảo Sơn Ca, “chờ hoàn thành nhiệm vụ ở đảo là tụi em tổ chức cưới”, Bắc chia sẻ. Nhà Bắc có 6 anh chị em, trong 2 em trai thì một là bộ đội đóng quân ở Đà Nẵng và một đang học Đại học Bách khoa.

Nhớ nhà, nhưng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ

Ở Trường Sa Lớn, có một điểm tựa vững vàng, đó là anh em sống tình cảm, đoàn kết, gắn bó. Vật chất được quan tâm, chia sẻ nhiều từ đất liền; nhưng xa xôi chỉ đáp ứng được phần nào. Đời sống văn hóa, thông tin cơ bản ổn định. Cái thiếu thốn nhất mà các anh phải đối diện thường trực, đó là nỗi nhớ đất liền, nhớ gia đình... “Bây giờ, nhờ có sóng Viettel, có thể nói chuyện được với vợ con, gia đình thường xuyên hơn nên nỗi nhớ nhà vơi bớt phần nào so với trước đây. Những chuyện lớn, chuyện nhỏ trong cuộc sống thường ngày, bọn em vẫn thường tâm sự chia sẻ với nhau” - Thanh nói với tôi.

Cũng đầy đủ nếp, thịt,... nhưng bánh chưng Trường Sa được gói bằng lá bàng vuông trồng trên đảo
Cũng đầy đủ nếp, thịt,... nhưng bánh chưng Trường Sa được gói bằng lá bàng vuông trồng trên đảo

Ghìm lắng xúc động, Hùng tiếp lời: “Nhớ quê nhất là nhớ bố mẹ, vợ con nhiều. Điện thoại về thì ông bà và vợ kể chuyện con ngoan, chơi thế này thế khác, nói những chuyện nọ chuyện kia, khi nào cũng muốn được nghe giọng con. Năm ngoái về phép, con còn nhỏ nên không đưa con đi chơi được đâu xa, chỉ đi lại trong phố. Ra đảo, gia đình cũng rất yên tâm, may mà có điện thoại nên thường xuyên liên lạc với nhau, ngày nào cũng nói chuyện với nhau hai ba lần”. Anh mang một tập ảnh về con trai ra giới thiệu.

Còn Bắc bộc bạch: “Cuối năm, gia đình sum họp, ai cũng nhớ nhà nhưng tư tưởng đều yên tâm, thoải mái. “Trước khi ra đây, em xác định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ; sống vui, hòa đồng, gắn bó với nhau”.

Lời nhắn từ đảo xa

“Được nhắn gửi thì trước tiên em chúc sức khỏe tất cả mọi người trong đất liền và những người thân yêu có một cái tết hết sức vui vẻ, sức khỏe, hạnh phúc, mọi việc được như ý. Ở ngoài này cuộc sống như một gia đình tập thể, luôn luôn gắn kết với nhau, sẽ giúp đỡ hỗ trợ cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ” - Bùi Sĩ Bắc tâm sự.

Bộ đội Trường Sa trang hoàng đón Tết
Bộ đội Trường Sa trang hoàng đón Tết

Lê Đăng Hùng cho biết, “Về phép, thấy quê mình đổi mới rất nhiều, rất tự hào, phấn khởi. Ngày nào cũng đọc Báo Hà Tĩnh trên mạng nên cũng biết được nhiều về tình hình. Tụi em rất mừng là tỉnh cũng quan tâm đến gia đình cán bộ, chiến sỹ công tác ở Trường Sa. Ước mong của em là được phân một lô đất để làm nhà ở”.

Nguyễn Văn Thanh ấn tượng về đặc sản của Hà Tĩnh với cu đơ, nước chè xanh, rượu trắng. Thay mặt những người con Hà Tĩnh trên đảo Trường Sa, anh có lời chúc: “Chúc tỉnh nhà càng ngày giàu đẹp, văn minh, phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

Chiến sỹ làm cành mai vàng từ cây phong ba trên đảo để bớt nỗi nhớ Tết quê nhà
Chiến sỹ làm cành mai vàng từ cây phong ba trên đảo để bớt nỗi nhớ Tết quê nhà

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân - Phó quân sự Lữ đoàn 146 Hải quân, Trưởng đoàn Tàu Trường Sa 22, người Xuân Viên (Nghi Xuân) mang quà tết đất liền ra đảo và thu đổi quân. Tết này anh cũng ở lại với anh em trên đảo. Anh nói: “Từ năm 2010, chúng tôi đã tổ chức mỗi năm một chuyến tàu đưa thân nhân ra quần đảo Trường Sa thăm cán bộ, chiến sỹ nên cũng phần nào làm nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà trong anh em”…

Chúng tôi rời Trường Sa khi ráng chiều nhuộm tím mặt biển Đông. Những con sóng bạc đầu vẫn ì oàm vỗ vào mạn tàu và miệt mài vươn mình về phía bờ xa. Hẳn rằng, trong những chuyền về đi của mình, sóng cũng chuyên chở những tâm tư từ 2 phía Trường Sa – đất liền đến với nhau. Và tôi tin, những bến bờ thân thương trên mảnh đất Hà Tĩnh thắm đượm nghĩa tình sẽ thấm nhận sâu sắc những nỗi nhớ trong người lính quê hương nơi đảo xa, để Trường Sa luôn gần gũi trong tâm tư quê nhà!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast