Tan “giấc mơ hoa”...

(Baohatinh.vn) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn là cứu cánh để thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người dân Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ước mơ ra đi để tìm về, để vun đắp cuộc sống không thành, nhiều cặp vợ chồng tan “giấc mơ hoa”...

tan giac mo hoa

Ảnh minh họa của Huy Tùng

Cưới nhau được vài tháng, hương tình còn đằm sâu nhưng có người quen giới thiệu, P. (xã X, huyện Kỳ Anh) làm xong thủ tục và lên đường đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Ngày P. đi, V. khóc hết nước mắt, nhưng đó âu cũng là giải pháp tốt cho đôi vợ chồng trẻ.

Thời gian đầu, qua những cuộc điện thoại dài tưởng như vô tận, V. luôn khóc vì nhớ thương và động viên P. cố gắng tích lũy để chờ ngày đoàn tụ. Thế nhưng, cuộc sống luôn có những bất ngờ, cạm bẫy, nhất là đối với những người trẻ tuổi như V.

Son rỗi, sẵn đồng tiền chồng gửi về, V. bắt đầu đua đòi, mua sắm. Và cái gì đến đã đến, người vợ trẻ đã bị khuất phục bởi tiếng sét ái tình từ một người đàn ông không phải chồng mình.

2 năm sau, P. về nước, 2 vợ chồng làm thủ tục ly hôn. Chưa có con nên cuộc chia tay nhẹ nhàng khi tài sản họ tự giải quyết được. Không tranh chấp, không thù hận, P. tiếp tục lên đường sang Hàn Quốc với những tiếc nuối, day dứt về một cuộc hôn nhân ngắn ngủi.

Không nhẹ nhàng như vợ chồng P. và V., đôi vợ chồng T. và X. (ở xã C., huyện Nghi Xuân) lại chia tay trong biết bao mâu thuẫn. Có với nhau 2 mặt con, vì đói nghèo, vợ chồng quyết tâm vay mượn để anh T. sang “miền đất hứa”. Tuy nhiên, sang Angola chưa được bao lâu, T. đã kịp làm quen với 1 cô gái đồng hương. Và không những không gửi tiền về, T. cũng quên luôn vợ, con với khoản nợ mấy chục triệu đồng mà hàng tháng chị X. vẫn oằn lưng trả lãi. Không hy vọng, không chờ mong, chị X. đã làm đơn ra tòa. T. chấp nhận không chút đắn đo, hôn nhân tan vỡ.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều vụ ly hôn của những cặp vợ chồng có người đi XKLĐ đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua. Theo con số thống kê của Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh, từ đầu năm đến nay, Tòa án nhân dân huyện đã thụ lý, giải quyết gần 40 vụ ly hôn, trong đó có hơn 15 vụ có chồng hoặc vợ đã từng đi XKLĐ.

“Phần lớn các vụ án đều được giải quyết nhanh gọn vì cả vợ và chồng thuận tình ly hôn, không tranh chấp về tài sản, nuôi con vì họ đã thống nhất với nhau từ trước. Thậm chí, có cặp vợ chồng còn đề nghị tòa án bỏ qua thủ tục hòa giải để sớm giải thoát cho nhau. Cái lý mà họ đưa ra để chia tay là vợ chồng không hợp, cuộc sống không hòa thuận nhưng tôi biết, nguyên nhân chính là do trong thời gian sống xa nhau, họ có quan hệ tình cảm ngoài luồng hoặc người đi xa thay đổi quan niệm, cách sống, khi trở về khó hòa nhập với cuộc sống của người ở nhà”, ông Hoàng Ngọc Tùng - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh cho biết.

Sự thay đổi môi trường sống đột ngột đã kéo theo sự thay đổi về quan niệm, cách sống. Đang từ một vùng quê nghèo, quanh năm chân lấm tay bùn hay tanh nồng vị cá, người đi XKLĐ, nhất là sang các nước phát triển, với cuộc sống phồn hoa sẽ bị choáng ngợp và nhanh chóng thay đổi. Để rồi khi trở về, người ta sẽ không quen với thực tại quê nhà, với đàn con nheo nhóc, với người vợ, người chồng luôn cau có, bẳn gắt trong cảnh bần hàn. Và với bản tính ích kỷ, vô trách nhiệm, người ta sẵn sàng kiếm cớ ly hôn để giải thoát bản thân, để được vẫy vùng nơi vùng đất mới.

Trường hợp của Nguyễn Thị N. (xã Đ. huyện Kỳ Anh) như là một minh chứng điển hình. Cách đây 2 năm, N. sang Đài Loan giúp việc cho một gia đình giàu có. Cuộc sống sung sướng, đầy đủ tiện nghi khiến N. nhanh chóng thay đổi cách sống. Trở về quê, nhìn cảnh chồng “đen, hôi, thô lỗ”, N. chán nản nên lại tìm cách ra đi. Để không vướng bận, N. làm đơn ly hôn và đồng ý để lại cho chồng toàn bộ tài sản với trách nhiệm nuôi con. N. làm thủ tục tiếp tục sang Đài Loan một cách nhẹ nhõm!

Mặc dù không thể lượng hóa được các hậu quả pháp lý phát sinh từ các cuộc hôn nhân tan vỡ này nhưng rõ ràng, hệ lụy về mặt xã hội là nhãn tiền. Những đứa trẻ chịu cú sốc tâm lý khi gia đình ly tán, lớn lên thiếu đi bàn tay chăm sóc của bố hoặc mẹ, thậm chí là cả hai sẽ trở nên mong manh trước những biến động của xã hội.

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho việc đi XKLĐ là nguyên nhân dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình, tuy nhiên, ở một góc độ nào đấy, những thay đổi về điều kiện, quan niệm sống cũng có tác động không nhỏ. Chuẩn bị tốt tâm lý, vững vàng trước những cám dỗ, thay đổi lối sống một cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh là yêu cầu cần thiết để giữ gìn, hàn gắn hạnh phúc gia đình. Và quan trọng nhất là người bố, người mẹ trước khi ra tòa, hãy nghĩ đến trách nhiệm với những đứa con.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast