Bài học kinh nghiệm cho công tác PCBL hiệu quả.

Hà Tĩnh thường xuyên phải “đối mặt” với thiên tai bão lũ. Tuy nhiên, sự chủ động của con người đã hạn chế được phần nào thiệt hại do “ thủy thần ” gây ra. Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm để công tác PCBL ở tỉnh ta ngày càng hiệu quả hơn!

Lũ ở Hà Tĩnh. Ảnh: Vũ Hoàng

Nhìn lại bão lũ năm 2010 cũng đủ thấy Hà Tĩnh phải gánh chịu thiệt hại như thế nào về thiên tai. Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển nước; nhiều người chết và bị thương. Thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với sức tàn phá khủng khiếp của hai cơn lũ vào tháng 10 – 2010 thì thiệt hại phải gấp nhiều lần như thế nếu thiếu sự chủ động đối phó kịp thời. Hương Khê là tâm điểm của hai trận lũ lịch sử này. Cả huyện bị ngập trong biển nước, trong đó 18/22 xã bị cô lập hoàn toàn. Thiệt hại về tài sản là rất lớn nhưng về người đã hạn chế thấp nhất có thể (8 người chết). Đó chính là sự chủ động của nhân dân vùng lũ khi có thiên tai xẩy ra. Thuyền nan là phương tiện không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân vùng lũ Hương Khê. Chiếc thuyền giúp họ rất nhiều việc, nhất là vận chuyển sơ tán người và tài sản về nơi trú ẩn an toàn khi bão lũ xẩy ra. Người dân rốn lũ Hương Khê đã không ngần ngại vay tiền ngân hàng xây nhà tránh lũ không chỉ cho người mà cho cả gia súc, gia cầm.

Bài học đắt giá của huyện Can Lộc trong cơn lũ 2010 là một minh chứng khi xẩy ra ngập lụt đã làm 9 người chết và nhiều người bị thương. Ngẫm lại cũng tại thiếu sự chủ động nên các địa phương vùng lũ hết sức lúng túng khi xẩy ra lũ lụt. Trong khi đó phương tiện ứng cứu lại không đáp ứng được; hệ thống đường cứu hộ, cứu nạn vùng trũng chưa được đầu tư nên không thể tiếp cận được vào các điểm trọng yếu. Đặc biệt, ý thức người dân vùng lũ ở Can Lộc còn chủ quan, coi thường. Đáng buồn hơn, công tác tuyên truyền, tập huấn về PCBL còn hạn chế dẫn đến người dân thiếu kinh nghiệm…để xẩy ra lật thuyền chết người. Rút kinh nghiệm, năm nay Can Lộc chuẩn bị chu đáo hơn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Ngay từ đầu năm các địa phương đều được huyện đầu tư trang bị phương tiện thuyền bè, phao cứu sinh, thuốc men….để đối phó hiệu quả các tình huống xấu do thiên tai. Sớm chuẩn bị phương án sơ tán dân và lương thực thực phẩm , chất đốt để đảm bảo đời sống cho người dân khi bị cô lập trong một thời gian nhất định…

Đại diện Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh trao thực phẩm và nước uống

của bạn đọc cả nước đến bà con vùng lũ Hà Tĩnh. Ảnh: HTO

Qua đó, có thể khẳng định sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo PCBL là hết sức quan trọng. Huyện nào, xã nào xây dựng được phương án PCBL cụ thể phù hợp thì sẽ hạn chế được thấp nhất về thiệt hại do bão lũ gây ra. Trong đó, phương án “4 tại chỗ” luôn được chủ động kịp thời để xử lý mọi tình huống xấu nhất khi có thể.

Sự chủ động nguồn hàng để cứu trợ khấp cấp cho người dân vùng bị lũ lụt cũng hết sức cần thiết. Năm 2010, ngành Công thương đã cung ứng kịp thời gần 150 tấn mỳ tôm và 50.000 lít nước uống đến cho bà con nhân dân lũ. Để làm được điều này, ngành đã huy động các doanh nghiệp tham gia dữ trữ hàng hóa theo kế hoạch được chuẩn bị từ trước. Qua thực tế, ngành rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác PCBL là coi trọng công tác dự báo nhu cầu về hàng hóa thiết yếu và xây dựng các phương án dự trữ, ứng cứu khi có thiên tai, bão lũ xẩy ra; có cơ chế hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp có quy mô thực hiện dữ trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong và sau bão lũ…

Theo ông Bùi Lê Bắc, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều kiêm Chánh văn phòng BCH PCLB tỉnh, ý thức công đồng và nâng cao năng lực công đồng trong phòng tránh thiên tai là bài học không bao giờ cũ, trong đó phụ thuộc vào năng lực tổ chức, chỉ huy của cấp xã với phương châm 4 tại chỗ có ý nghĩa sống còn với từng địa phương. Bài học kinh nghiệm ở xã Phương Mỹ (Hương Khê) là vùng rốn lũ ngập sâu nhất , song 10 năm nay không thiệt hại vể người do lũ lụt; huyện Vũ Quang trải quả hai trận lũ lịch sử nhưng chỉ thiệt hại 1 người; vùng đê La Giang huyện Đức Thọ người dân có thể sống chung với lũ 20 ngày mà vẫn đủ nước sạch và các điều kiện sinh hoạt…

Từ những kinh nghiệm trên, công tác PCBL luôn được tỉnh xem là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Vẫn tiếp tục thực hiện phương châm: “chủ động phòng, tránh- đối phó kịp thời – khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Trong đó giải pháp phòng là chính, vì vậy công tác dự báo, cảnh báo luôn được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo thông tin kịp thời chính xác trong mọi tình huống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống bão lụt cho nhân dân; phương án phòng chống bão lụt phải được cụ thể hóa phù hợp với từng địa phương, đặc biệt chuẩn bị tốt phương án 4 tại chỗ và công tác TKCN…Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm như Ngàn Trươi – Cẩm Trang, nâng cấp Đê La Giang, Kênh trục Sông Nghèn và đường cứu hộ thành phố Hà Tĩnh – Kẻ Gỗ - Hương Khê để tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCLB – TKCN. Ngoài ra, triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sống chung với lũ các xã vùng ngập lụt huyện Hương Khê, Vũ Quang, hạ huyện Hương Sơn, vùng thượng Đức Thọ và hạ du hồ Kẻ Gỗ…; tiếp tục thực hiện chương trình trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ven biển và rừng ngập mặn gắn với việc bảo vệ các tuyến đê biển. Tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương, ngành để chủ động thực hiện có hiệu quả khi thiên tai xẩy ra.

Với bài học kinh nghiệm cùng với sự chuẩn bị chu đáo của các địa phương, tin rằng bước vào mùa mưa lũ năm nay Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi bão lũ xẩy ra, đảm bảo đời sống an sinh cho người dân vùng lũ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast